Bài viết chuyên mục: Nghệ sĩ múa Lillian Parker
Tạp chí Magnifissance là một tạp chí về phong cách sống thượng lưu hàng đầu tại Pháp và Canada, được xuất bản song ngữ tiếng Trung và tiếng Anh, với tôn chỉ làm cầu nối giữa phương Đông và phương Tây thông qua sự tôn vinh vẻ đẹp và nét thanh nhã truyền thống của cả hai nền văn hóa.
Trong số này, nhân vật chính trong bài viết của tạp chí Magnifissance là nghệ sĩ múa Lillian Parker. Lillian tham gia Shen Yun từ năm 2017. Năm 2018, cô giành giải ba trong Cuộc thi Múa Cổ điển Trung Quốc Toàn thế giới của Đài Truyền hình Tân Đường Nhân (hạng mục nữ thiếu niên) và giành giải nhất trong cùng cuộc thi vào năm 2021.
Nội dung từ bài viết của tạp chí Magnifissance: Tìm hiểu “Dòng chảy của Đạo” cùng nghệ sĩ múa Shen Yun Lillian Parker
Kể từ khi Đoàn Nghệ thuật Shen Yun được thành lập vào năm 2006, hàng triệu người đã được thưởng thức những nét đẹp của văn hóa Trung Hoa trên sân khấu thông qua các chương trình biểu diễn múa cổ điển Trung Quốc tại các rạp hát trên khắp thế giới. Trong số đó có gia đình nhà Parker, việc tham dự buổi biểu diễn đã trở thành một truyền thống hằng năm của họ.
Lớn lên ở Toronto, Lillian Parker chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó cô sẽ gia nhập hàng ngũ các nghệ sĩ múa cổ điển Trung Quốc. Vậy mà khi cơ hội đến, cô đã thể hiện một cách xuất sắc. Tháng 9 năm nay, Parker đã giành được huy chương vàng ở hạng mục nữ thiếu niên trong Cuộc thi Múa Cổ điển Trung Quốc Toàn thế giới 2021 do Đài truyền hình Tân Đường Nhân tổ chức ở New York.
Biểu đạt nội tâm
Trong trang phục màu tím rực rỡ với ống tay áo dài quá cánh tay, màn trình diễn “Dòng chảy của Đạo (Flow of the Taoist Spirit)" của Parker đã thu hút sự chú ý của khán giả và ban giám khảo. Một mình trên sân khấu lớn, nữ nghệ sĩ múa trẻ đã lấp đầy không gian xung quanh mình với những động tác tung ra và thu lại tay áo dài. Những chuyển động của cô chính xác, mạnh mẽ nhưng có những lúc cũng rất tinh tế và biểu lộ sự thư thái.
Thay vì thể hiện tài năng của mình ở kỹ thuật nhảy và nhào lộn, Parker quyết định tập trung thể hiện những nét tinh tế của cảm xúc nội tâm.
Thần thái – biểu hiện của cảm xúc nội tại thông qua dáng vẻ bên ngoài – là một bộ phận quan trọng trong múa cổ điển Trung Quốc. Nó phản ánh cảm xúc bên trong của mỗi động tác, đồng thời nó chứa đựng những phẩm chất đặc biệt của người Trung Quốc. Khả năng thể hiện thần thái của múa cổ điển của Trung Quốc là một trong những lý do khiến thành tích quán quân của Parker trở nên đặc biệt, vì cô không phải là người gốc Hoa.
Parker kể rằng trước kia khi xem cô múa, các đồng nghiệp của cô nói rằng biểu cảm của cô không phải lúc nào cũng phản ánh được tinh thần của người Trung Quốc.
Cô Parker nói: “Tôi nhận ra rằng mình cần phải điều chỉnh bản thân, vì vậy tôi bắt đầu quan sát các bạn cùng lớp và quan sát mọi người trong các bộ phim Trung Quốc, xem cách họ di chuyển. Tôi nhận thấy rằng chúng chứa đựng rất nhiều nội hàm."
Parker bắt đầu mô phỏng cách tiếp cận này, học cách biểu đạt bản thân một cách tinh tế hơn. “Nó mang đến cảm giác bí ẩn hơn, với cảm xúc từ từ thoát ra ngoài thay vì chỉ là sự bùng nổ trên sân khấu.”
Bằng phương pháp này, Parker bắt đầu nắm bắt được chiều sâu và khả năng biểu đạt của múa cổ điển Trung Quốc.
Cô nói: “Trong tiếng Trung có từ ‘tiêu sái’, có ý nghĩa là tự do, phiêu diêu. Bản chất người Trung Quốc khá hướng nội, vì vậy khi họ có cảm giác tiêu sái này, thực sự nó rất đẹp và thanh nhã, có sức mạnh truyền tải cảm xúc rất mạnh mẽ."
“Đối với người phương Tây, điều đó hơi khác một chút vì chúng tôi vốn đã khá cởi mở. Tôi nghĩ về nó như là sự tập trung cảm xúc trong trái tim mình, sau đó đẩy nó từ trong ra ngoài. Nó rất có uy lực.”
Đông Tây hội ngộ
Năm nay là lần đầu tiên các thí sinh không phải người Trung Quốc giành được huy chương tại cuộc thi múa cổ điển Trung Quốc nổi tiếng của Đài truyền hình Tân Đường Nhân. Em trai và em gái của Parker cũng lần lượt giành các giải vàng và giải đồng.
Là những học viên của môn tu luyện Trung Quốc cổ xưa Pháp Luân Đại Pháp, ba anh chị em lớn lên với niềm yêu thích văn hóa Trung Quốc và mong muốn chia sẻ nó với nhiều người hơn. Khi còn nhỏ, Lillian Parker không biết mình có thể làm gì. Tuy nhiên, khi cô 12 tuổi, cơ duyên đã đến.
“Năm đó khi Shen Yun đến Toronto, có người nói với cha mẹ tôi rằng tôi có thể thử sức ở công ty này. Tôi đã làm theo và vài tuần sau tôi được mời đến New York để thử việc,” cô Parker nói.
Cô được nhận vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, trường dạy múa danh tiếng chuyên đào tạo các nghệ sĩ múa Shen Yun. Các anh chị em của cô cũng lần lượt theo bước chân cô. Có trụ sở tại New York, sứ mệnh của Shen Yun là phục hưng nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc, vốn đã bị tàn phá nặng nề sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền vào năm 1949. Ở một mức độ nhất định, tất cả các bạn học của cô tại Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, bao gồm cả các nghệ sĩ biểu diễn gốc Hoa, đều lần đầu tiên được học loại hình văn hóa truyền thống này, và Parker rất háo hức tham gia cùng họ trong hành trình khám phá này.
Cô bị cuốn hút bởi những nhân vật vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc và sự coi trọng đạo đức của họ trong ứng xử hàng ngày. Những kiến thức này rất cần thiết để truyền tải sự phong phú về văn hóa của múa cổ điển Trung Quốc mà nhiều người tin rằng đã được Thần truyền cho con người.
Parker nói: “Bất cứ ai cũng có thể học các kỹ thuật, nhưng chỉ với những suy nghĩ và hành động đúng đắn thì điệu múa mới có thể mang lại cảm giác chân thực của văn hóa truyền thống Trung Quốc, điều mà ngày nay rất khó tìm thấy.
Trọng tâm của chuyển động
Trong phần thi múa của Parker, phần tay áo dài của bộ trang phục dường như được tung ra không phải từ tay của cô, mà từ trung tâm của thân thể.
Parker nói: “Các động tác đều xuất phát từ trung tâm. Mọi thứ còn lại nối tiếp một cách tự nhiên từ nguồn năng lượng đó, giống như hiệu ứng gợn sóng. Tay áo dài khiến các chuyển động trở nên dài hơn nữa.”
Chính khả năng kiểm soát chuyển động và truyền năng lượng cho không gian xung quanh của cô đã tạo nên điểm nổi bật trong cuộc thi.
Parker nói rằng việc tập trung vào trung tâm của cơ thể “tạo ra một cảm giác thanh nhã và chính trực. Nó giúp làm nổi bật nét tinh túy của văn hóa Trung Hoa và khiến chuyển động không bị trở nên nhỏ bé,” cô nói.
Shen Yun nhấn mạnh nguyên tắc cốt lõi này thông qua các kỹ thuật đã thất truyền là “thân đới thủ” và “khố đới thối”, những kỹ thuật này hiện đang được hồi sinh tại Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun.
Khi được hỏi về cảm xúc của bản thân khi giành được huy chương vàng, Parker nói: “Đó là một bước đệm. Tôi rất vui và tôi thực sự rất trân trọng điều này. Có rất nhiều nghệ sĩ múa xuất sắc trong cuộc thi. Đó là động lực để tôi bước tiếp. Tôi cảm thấy như mình chỉ mới ở những bước đầu tiên.”
Những câu trả lời chín chắn của Parker là minh chứng cho chất lượng đào tạo của Shen Yun và nỗ lực của cô không chỉ nằm ở việc học tập kỹ thuật mà còn ở việc tu dưỡng tâm tính của bản thân. Trong thực tế, vẻ đẹp của một buổi biểu diễn của Shen Yun có thể được tìm thấy một cách chính xác trong nội hàm được truyền vào trong các điệu múa.
Khi Parker tiếp tục nghiên cứu sâu hơn hình thức nghệ thuật này cũng như tiếp tục hành trình của cô cùng với Shen Yun, cô có thể sẽ đạt được trí huệ lớn hơn và kĩ thuật tinh xảo hơn, đồng thời cô có thể truyền cảm hứng để nhiều người thuộc các giai tầng khác nhau được khám phá vẻ đẹp của múa cổ điển Trung Quốc.