Thoát khỏi Trung Quốc
BÀI VIẾT CỦA EPOCH TIMES
Cuộc sống của Zhao Jiheng đã bị đảo lộn hoàn toàn khi anh mới 8 tuổi.
“Một hôm, tôi đi học về và thấy bố mẹ tôi đã biến mất,” Zhao chia sẻ. Cha mẹ của anh, cũng giống như hàng chục triệu những người khác ở Trung Quốc Đại Lục, đã trở thành đối tượng bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp chỉ vì đức tin của họ. Vào năm 1999, chỉ sau một đêm, khoảng 70 đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, từ chỗ được xã hội biết đến là những người tốt, tu luyện thiền định và tuân theo Chân – Thiện – Nhẫn, đã bị dán nhãn là kẻ thù của nhà nước.
Cha của Zhao đã từng bị tra tấn và phải bỏ trốn trong vài năm sau đó, còn mẹ anh cũng bị bắt giữ phi pháp và bị giam giữ nhiều lần một cách vô căn cứ và thường xuyên. Điều đó có nghĩa là Zhao có thể về nhà vào một ngày nào đó và nhận ra cửa nhà đã bị khóa, khi đó anh mới biết rằng cảnh sát lại tới bắt mẹ đi rồi. Cuộc sống gia đình bị đảo lộn, nhiều lần Zhao phải tới ở cùng người bà tàn tật của mình, cũng có những lần anh ở với những người thân khác nếu họ đồng ý cưu mang anh.
Cậu bé Zhao khi ấy mới 8 tuổi thường thắc mắc: “Tại sao mẹ con bị bắt? Tại sao bố con bị bắt?”
“Họ không nói cho tôi biết bởi vì tôi còn quá nhỏ và không thể hiểu được,” anh Zhao chia sẻ. “Nhưng dần dần, tôi bắt đầu hiểu ra. Bởi vì họ đứng về phía sự thật và dám nói 'Pháp Luân Đại Pháp hảo' nên họ đã trở thành mục tiêu của chính quyền.”
Những người không hiểu rõ về xã hội cộng sản cảm thấy câu chuyện của anh Zhao không thể lý giải được và đáng kinh ngạc – rằng chính phủ của một quốc gia có thể khiến toàn bộ người dân quay lưng lại với một nhóm công dân chỉ trong chốc lát. Khi xã hội bắt đầu lặp đi lặp lại những lời vu khống về Pháp Luân Đại Pháp, Zhao cũng bắt đầu phải đối mặt với việc bị bắt nạt và đối xử bất công ở trường, và cảnh sát bắt đầu lục soát nhà anh. Những lần mẹ anh có ở nhà, cảnh sát tìm mọi cách để khiến anh nói với bà rằng bà thật tệ vì đã không từ bỏ đức tin của mình để anh có thể có một cuộc sống dễ chịu hơn.
ĐCSTQ đã huy động toàn bộ bộ máy chính quyền để thực hiện mục tiêu hủy hoại thanh danh, tính mạng và sinh kế của những người tu luyện này, họ tưởng rằng có thể xóa sổ một hệ tín ngưỡng trong vòng hai năm. Nhưng sự thật và trái tim lương thiện đã chiến thắng.
Cơ hội tái sinh
Nhìn Zhao ngày hôm nay, có thể bạn không biết hồi nhỏ anh từng là một đứa trẻ rất ốm yếu. Anh thường xuyên bị ốm và thường xuyên đột nhiên xuất hiện tình trạng co giật, ngất xỉu và phải đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ lúng túng đề xuất phẫu thuật thùy não. Khi y học hiện đại không thể đưa ra câu trả lời chính xác, mẹ của Zhao đã tìm đến các bác sĩ Trung y, tuy nhiên họ cũng tỏ ra lúng túng như vậy.
Bước ngoặt kỳ diệu mang lại sức khỏe cho Zhao xảy ra khi anh biết đến Pháp Luân Đại Pháp. Đây là môn tu luyện tinh thần với cốt lõi là tiêu chuẩn "Chân, Thiện, Nhẫn," cùng với năm bài tập thiền định. Khi được giới thiệu ra công chúng tại Trung Quốc vào đầu những năm 1990, nó lập tức lan rộng mạnh mẽ. Môn tập này mang đến những lợi ích về cả thân lẫn tâm, Zhao cũng giống như bao người khác đã trải nghiệm được việc những căn bệnh đeo bám lâu năm bỗng nhiên biến mất hoàn toàn.
Trước đây, quả thật không dễ dàng khi anh biết rằng mình có thể ngất xỉu và ngã xuống đất bất kỳ lúc nào. Zhao nói một cách chân thành: "Nhưng Pháp Luân Đại Pháp đã mang đến cho tôi một cơ hội tái sinh."
Khi bố mẹ anh bước vào tu luyện, anh cũng bước vào theo, vì anh nhận thấy rõ ràng tiêu chuẩn của Pháp Luân Đại Pháp dạy người ta làm người tốt và lương thiện. Cũng vì vậy anh cảm thấy bối rối và đau lòng khi Pháp Luân Đại Pháp đột nhiên bị đàn áp. Anh chia sẻ rằng, không có gì lạ khi một người dân ở Trung Quốc biết ai đó tu luyện Pháp Luân Công và bị ĐCSTQ giết hại vì đức tin của mình. 11 người bạn của mẹ anh đã bị giết hại.
Anh Zhao nói: "ĐCSTQ là một chế độ vô thần, khẩu hiệu của nó là 'đấu với Trời, đấu với Đất, đấu với người.'" Ngay từ khi thành lập, ĐCSTQ đã tìm cách nhổ tận gốc các tín ngưỡng tinh thần và tôn giáo. "Nó muốn con người coi trọng vật chất và lợi ích cá nhân. Kết quả là nó đã khiến đạo đức của xã hội Trung Quốc hiện đại trượt dốc," anh nói thêm.
Do đức tin của mình, các thành viên trong gia đình anh Zhao đều bị đưa vào danh sách đen và không được làm hộ chiếu. Nhưng vào năm 2007, khi Zhao 16 tuổi, một cơ hội rời khỏi đất nước đã đến với anh. Gia đình anh đã tham gia cùng một nhóm những người khác đang muốn rởi khỏi Trung Quốc và tìm cách trốn sang Thái Lan, tìm cơ hội được sống trong tự do.
"Tôi biết việc này rất nguy hiểm, nhưng tôi đã không thể tưởng tượng được trải nghiệm đó sẽ như thế nào," anh Zhao nói. Trong màn đêm mịt mù, vài chục người chen chúc phía sau một chiếc xe tải, nằm sát dưới những thùng hàng, và được thả xuống ở chốn đồng không mông quạnh để chờ đợi mà không biết sau bao lâu chiếc xe kế tiếp sẽ tới đón. Lẽ ra anh sẽ cảm thấy sợ hãi, Zhao hồi tưởng, nhưng anh cảm thấy bằng cách nào đó mình đang được Thần bảo hộ. Ngay cả khi phải chờ đợi trong đêm tối vắng vẻ, không biết người tiếp theo mình gặp sẽ là cảnh sát hay kẻ cướp, hoặc thậm chí cuộc hành trình sẽ đi vào ngõ cụt, nhưng anh nghĩ việc này đáng để mình mạo hiểm. Cuộc sống không có tự do để thực hành đức tin thì không còn là cuộc sống nữa, anh nói.
Hàng giờ trôi qua và cuộc hành trình lại tiếp tục. Gia đình anh Zhao và một vài gia đình khác đã qua được biên giới và sau đó tới Thái Lan, sẵn sàng bắt đầu một cuộc sống mới.
Một sứ mệnh
Ở Thái Lan, anh Zhao thường tới các điểm du lịch để phát các tài liệu thông tin về Pháp Luân Đại Pháp, đồng thời nói với du khách từ Trung Quốc Đại Lục về chân tướng của cuộc bức hại đang diễn ra. Anh muốn họ biết “Pháp Luân Đại Pháp hảo,” anh Zhao nói, và mỗi khi có người bày tỏ một chút minh bạch, anh lại có thêm hy vọng.
Tại Thái Lan, anh Zhao đã biết đến Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, đoàn nghệ thuật hàng đầu thế giới về vũ đạo Trung Hoa cổ điển, thông qua một chương trình chào mừng Năm mới đặc biệt bao gồm các tiết mục múa Trung Hoa cổ điển. Lúc đó, anh đã xem một tiết mục vũ kịch về Trung Quốc hiện đại.đáng
Bạn hãy thử tưởng tượng cảm xúc của Zhao khi chứng kiến câu chuyện, rất tương đồng với hoàn cảnh của chính mình, đang được kể lại trên sân khấu.
Câu chuyện kể về một gia đình với đức tin vào Chân – Thiện – Nhẫn đã bị tan cửa nát nhà vì ĐCSTQ, đứa trẻ trở thành mồ côi, sống thiếu cha mẹ. Anh Zhao không ngạc nhiên về sự tương đồng này – anh biết sự tàn nhẫn của chế độ cộng sản ảnh hưởng tới các gia đình trên khắp cả nước – nhưng anh đã xúc động sâu sắc bởi việc dùng một loại hình nghệ thuật để nói cho thế giới biết sự thật về cuộc bức hại tàn bạo. Anh Zhao đã đặt mục tiêu tham gia vào nỗ lực này.
Với trụ sở ở New York, Shen Yun có rất nhiều nghệ sĩ có câu chuyện cuộc đời tương tự như của anh Zhao. Nhiều người trong số họ rời Trung Quốc tới Hoa Kỳ, theo đuổi giấc mơ tự do tu luyện theo đức tin của mình và có quyền tự do ngôn luận để chia sẻ đức tin của mình trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Và trái lại với điều mọi người có thể nghĩ, sứ mệnh của Shen Yun không phải là làm chính trị mà là để khôi phục nền văn hóa truyền thống. Các nghệ sĩ được dẫn dắt bởi tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn, những tiết mục vũ kịch trên sân khấu triển hiện nền văn hóa chính thống của Trung Hoa, từ khi nền văn minh này được tin là do Thần truyền xuống và cả xã hội vận hành xoay quanh ý niệm về sự hòa hợp giữa thiên, địa, nhân.
Đó là một nền văn hóa mà mọi người đều tin rằng trên đầu ba thước có Thần linh, anh Zhao nói, có nghĩa rằng Thần luôn dõi theo con người và con người luôn nỗ lực hướng đến một chuẩn mực đạo đức cao thượng
“Từ âm nhạc cho tới phong cách vũ đạo và các động tác, thậm chí cả phông nền, cách phối màu và trang phục – toàn bộ chương trình đều có gốc rễ từ ý thức thẩm mỹ của văn hóa truyền thống,” anh Zhao nói. “Chúng tôi trình diễn một điều gì đó tươi sáng và tràn đầy hy vọng.”
"Văn hóa truyền thống giúp nuôi dưỡng thiện tâm và tôi tin rằng những tiết mục nghệ thuật với cội nguồn văn hóa truyền thống sâu sắc này cũng có tác dụng như vậy”, anh Zhao chia sẻ. “Và điều này cũng có lợi cho xã hội.”
Giờ đây, Zhao đã trở thành một trong những nghệ sĩ của bảy đoàn lưu diễn, và anh cũng thường đi biểu diễn khắp các nơi trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, nơi Shen Yun và Pháp Luân Đại Pháp vẫn đang bị cấm.
Anh cũng đã tham gia một trong các tiết mục vũ kịch nói về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc – nhưng không phải vai diễn giống với cuộc đời của anh.
“Thực ra, tôi đóng vai ác cảnh,” anh Zhao nói một cách vui vẻ. Những nhân vật cảnh sát mà Shen Yun khắc họa là các vai phản diện, anh giải thích, nhưng họ còn cách xa về mức độ tà ác so với những cảnh sát mà anh đã gặp trong đời thật. Vào thời điểm diễn vai diễn này, anh đã từ lâu không còn ôm giữ ác cảm nào với họ nữa. Anh ấy kể về việc giúp một nữ nghệ sĩ múa thể hiện vai một em gái nhỏ bị mất cha mẹ trong cuộc đàn áp tàn bạo, bằng cách chia sẻ về trải nghiệm của chính bản thân mình và hy vọng điều đó có thể đóng góp cho nhóm biểu diễn.
Cũng có một thời gian anh thật sự căm ghét cảnh sát và đặc vụ của ĐCSTQ, những người đã làm tan nát gia đình anh. Nhưng tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn và cuộc hội ngộ với Shen Yun đã biến thù hận thành một điều gì đó khác, một điều còn cao hơn cả sự tha thứ. Anh Zhao nói, anh nhận ra những cảnh sát đã tìm cách chia rẽ anh và mẹ anh, lục soát nhà anh và ăn cắp tiền dành dụm của anh, quấy nhiễu gia đình anh vào những dịp lễ Tết, chính họ cũng bị lừa dối. Họ bị đắm chìm trong tuyên truyền của ĐCSTQ và họ cũng chỉ làm theo mệnh lệnh mà không biết chân tướng đằng sau sự việc. Anh Zhao hy vọng những người này sẽ biết được chân tướng. Và nếu anh có thể, anh sẽ mời họ đến xem Shen Yun.
“Ai cũng đều có mặt thiện trong tâm, mặt thiện ấy chỉ bị ĐCSTQ tà ác che khuất mà thôi. Khi họ hiểu ra chân tướng, tôi nghĩ họ sẽ tỉnh ra. Họ sẽ không chọn làm nhưng việc như thế cho ĐCSTQ nữa.” Anh Zhao nói.
“Khán giả ra về với sự hân hoan và một tâm hồn thăng hoa bởi vì nền văn hóa Thần truyền này đã cho họ thấy những điều chân chính và đẹp đẽ”.