3 mẹo đơn giản: Giữ gìn sức khỏe theo trí huệ truyền thống Trung Quốc
Học thuyết Đạo gia của Trung Quốc cho rằng thân thể người là một tiểu vũ trụ, có quan hệ tương ứng với vũ trụ rộng lớn mà nhân loại đang sinh tồn. Hệ thống tuần hoàn bên trong thân thể người cũng có mối quan hệ tương hỗ với hoàn cảnh tự nhiên. Lấy một ví dụ, dòng chảy của con sông rất giống với vòng tuần hoàn máu. Khi nước sông chảy thuận theo quy luật tự nhiên, hệ sinh thái dọc bờ sông sẽ tươi tốt. Cũng tương tự, khi tuần hoàn máu thông suốt, bên trong thân thể không thiếu chất hay thiếu dinh dưỡng, thì cơ thể sẽ có thể duy trì trạng thái khỏe mạnh. Ngược lại, nếu dòng chảy của sông bị tắc hay mạch máu bị nghẽn, thì sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề.
Tìm hiểu mối liên hệ giữa thân thể người và tự nhiên không chỉ có thể giúp chúng ta bảo trì thân thể khỏe mạnh, mà còn khiến chúng ta có được tâm trạng vui vẻ. Sau đây, hãy để thuật dưỡng sinh truyền thống Trung Quốc chỉ cho bạn cách làm thế nào để giữ gìn sức khỏe!
1. Đồng hồ sinh học theo Trung y
Văn hóa truyền thống Trung Quốc cho rằng ngũ tạng ứng với ngũ hành, ngũ hành lại ứng với 12 thời thần. Ví dụ, giờ Dần, tức là từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng, kinh phế vượng nhất, nếu bạn duy trì giấc ngủ sâu vào giờ này thì có thể giúp phổi khỏe mạnh, sáng sớm hôm sau sắc mặt hồng hào, tinh lực sung mãn. Mỗi thời thần đều có cơ quan nội tạng tương ứng và hành vi tuân thủ. Chúng ta hãy xem những điều cần lưu ý vào các thời điểm quan trọng trong ngày nhé!
Giờ Mão: Từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng. Lúc này, kinh đại trường bắt đầu hoạt động, loại bỏ cặn bã tích tồn trong thân thể. Do đó, sau khi thức dậy vào buổi sáng, trước tiên bạn nên uống một cốc nước ấm để giúp thông ruột và bài độc.
Giờ Thìn: Từ 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng. Kinh vị hoạt động mạnh, có tác dụng hấp thu và tiêu hóa. Lúc này, bạn nên ăn bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng, đề xuất chủ yếu là ngũ cốc nguyên cám chứa chất xơ có lợi cho hoạt động của tỳ vị.
Giờ Ngọ: Từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều. Kinh tâm hoạt động mạnh, bạn nên ngủ trưa để dưỡng tâm, nhưng chú ý không được ngủ quá 1 tiếng đồng hồ, nếu không sẽ dễ dẫn đến khó ngủ vào ban đêm. Đồng thời, bạn cũng lưu ý cân bằng dinh dưỡng cho bữa trưa.
Giờ Thân: Từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều. Lúc này kinh bàng quang hoạt động mạnh, bạn nên bổ sung nhiều nước. Uống nước hoặc trà sẽ có lợi cho bàng quang, giúp loại bỏ tạp chất ra khỏi cơ thể.
Giờ Tuất: Từ 7 giờ tối đến 9 giờ tối. Kinh tâm bào vượng nhất. Sau khi dùng xong bữa tối, bạn có thể đi tản bộ, trò chuyện với người thân, duy trì tâm thái vui vẻ thoải mái.
Giờ Hợi: Từ 9 giờ tối đến 11 giờ tối. Kinh tam tiêu hoạt động mạnh. Kinh tam tiêu giúp tuần hoàn khí huyết toàn thân. Lúc này, bạn đi ngủ có thể khiến cho cơ thể được tu bổ và điều chỉnh đầy đủ. Nếu bạn không thể đi ngủ vào giờ này, thì nên duy trì tâm thái bình tĩnh, tránh để cảm xúc lên xuống thất thường.
2. Ăn thực phẩm theo mùa
Cổ nhân Trung Quốc và Trung y rất coi trọng “thiên nhân hợp nhất”, thuận theo tự nhiên. Mỗi loại thực phẩm đều có đặc tính riêng của nó. Ăn thực phẩm theo từng mùa có thể phát huy công hiệu bồi bổ và điều dưỡng.
Mùa xuân chủ “sinh”, dưỡng dương; nên bạn có thể chọn thực phẩm có tính ôn như quả óc chó, táo tàu, thịt gà, gan heo, lươn. Về rau xanh, bạn có thể chọn cải bẹ xanh, rau cần, hẹ.
Mùa hè chủ “trưởng”, là giai đoạn sinh trưởng tốt nhất. Đồng thời, do thời tiết nóng nực, bạn nên chọn thực phẩm có vị nhẹ nhàng thanh đạm. Về công hiệu của thực phẩm, bạn nên chú trọng vào những thứ có tính dưỡng âm thanh hỏa và thanh nhiệt lợi ẩm; chẳng hạn như bo bo, đậu đỏ, đậu xanh, nấm tuyết, hạt sen, mướp, dưa hấu, cà chua.
Mùa thu chủ “thu”, lúc này dương khí dần thu lại, âm khí dần tăng lên. Bạn nên tăng cường điều dưỡng thân thể và tinh thần, giữ tâm khí bình hòa đối đãi mọi việc. Vào mùa này, bạn nên bổ sung nhiều nước và ăn nhiều rau quả tươi để bài xuất các chất tích tồn trong cơ thể ra ngoài. Bạn nên cân nhắc lựa chọn thực phẩm có vị ngọt thanh và giữ ẩm, có tác dụng dưỡng phế nhuận trường; chẳng hạn như các loại đậu, các loại nấm, rong biển, mè, quả lê, cà rốt, khoai từ, gạo nếp.
Mùa đông chủ “tàng”, thân thể người bước vào trạng thái nghỉ ngơi dưỡng sức. Khi trời dần trở lạnh, bạn nên ăn nhiều thực phẩm giúp cơ thể giữ ấm như thịt dê, thịt bò, ớt, quế, củ cải. Đồng thời, mùa đông là dịp tốt để bồi bổ thân thể, nhưng cần phù hợp theo tình huống của mỗi cá nhân. Các loại thuốc bổ thông thường gồm có nhân sâm, đương quy, hoàng kỳ, đông trùng hạ thảo v.v. Đồng thời, bạn nên kết hợp thực phẩm bổ sung và thuốc bổ tương ứng để đạt được hiệu quả tốt nhất.
3. Đả tọa và thiền định
Cách ly ở nhà có khiến bạn cảm thấy lo âu không? Cách ly ở nhà có khiến bạn lo lắng mình sắp mắc chứng sợ quanh quẩn trong nhà không? Khi rơi vào cảm xúc tiêu cực khó tự vực dậy, bạn hãy thử ngồi đả tọa. Nó không chỉ có thể tiêu trừ phiền não, mà còn có thể khiến cho thân tâm thư giãn. Ngay cả khi bạn chỉ ngồi đả tọa trong vài phút ngắn ngủi, nó vẫn có thể mang lại hiệu quả rất tốt.
Những điều lưu ý khi ngồi đả tọa:
Yên tĩnh —— Bài trừ can nhiễu bên ngoài có thể khiến con người tĩnh tâm và duy trì sự tập trung ở mức cao nhất.
Ngồi đả tọa theo nhóm —— Không có ai quy định đả tọa chỉ có thể ngồi một mình phải không? Hãy tìm một vài người bạn chung chí hướng để cùng nhau trải nghiệm sự mỹ hảo của đả tọa!
Quy tắc làm việc và nghỉ ngơi —— Đừng ngại cân nhắc thời gian cố định mỗi ngày để ngồi đả tọa, bộ não và thân thể của bạn sẽ dễ dàng thích nghi với quy tắc làm việc và nghỉ ngơi.
Cuộc sống hàng ngày của nghệ sĩ múa rất bận rộn; nào là lên lớp học múa, diễn tập, học tập và công tác. Nếu đối diện nó bằng cảm xúc tiêu cực, thì thường chỉ là làm nhiều công ít. Đối với tôi mà nói, ngồi đả tọa 30 phút mỗi ngày có thể khiến thân tâm bảo trì trạng thái tốt nhất, hiệu suất làm việc cũng nâng cao đáng kể. Do vậy, nếu lỡ có một ngày vướng vào cảm xúc tiêu cực, thì bạn hãy thử ngồi đả tọa để tăng cường năng lượng tích cực xem.
Trên đây là một vài phương pháp giúp bạn tăng cường sức khỏe. Khi bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy thử các phương pháp theo trí huệ cổ xưa Trung Quốc để khích lệ bản thân mình nhé!
3 mẹo đơn giản: Giữ gìn sức khỏe theo trí huệ truyền thống Trung Quốc