Thông cáo Báo chí

Những Nhân vật Nổi danh: Diệp Hạn và cô bé Lọ Lem

Trong loạt bài này, chúng ta đã tìm hiểu về những nhân vật lịch sử ở phương Đông và phương Tây. Để kết lại loạt bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm một cặp nhân vật đặc biệt có những điểm tương đồng đến kỳ lạ, và đây cũng là cặp nhân vật hư cấu duy nhất.

Các bạn có biết cô bé Lọ Lem của Trung Quốc không?

Rất lâu trước khi có truyền thông đại chúng, vào năm 850 của thời Đường, câu chuyện cổ tích Diệp Hạn đã xuất hiện ở Trung Quốc. Phiên bản truyện cô bé Lọ Lem được nhớ đến nhiều nhất ra đời hơn 8 thế kỷ sau đó, tức là năm 1697. Phiên bản của hãng Disney ra đời năm 1950. Và phiên bản trên Amazon Prime ra đời năm 2021 v.v.

Như chúng ta đã biết, mẫu hình sớm nhất của truyện cổ tích cô bé Lọ Lem là “Rhodopis”, ra đời ở Hy Lạp vào thời điểm trước hoặc sau Công Nguyên. Cốt truyện xoay quanh một cô gái nô lệ người Hy Lạp kết hôn với hoàng đế Ai Cập. Nhưng ở đây chúng ta chủ yếu bàn về truyện cô bé Lọ Lem của Trung Quốc so với phiên bản được biết đến nhiều nhất ở phương Tây dựa trên cốt truyện của nhà văn người Pháp Charles Perrault.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn qua một số điểm bên dưới.

• Diệp Hạn là một thiếu nữ xinh đẹp, tốt bụng và dịu dàng giống như tên gọi của nàng.
• Nàng mồ côi mẹ.
• Cha nàng qua đời và người mẹ kế độc ác đã bắt nàng làm nô lệ.
• Mẹ kế đã làm mọi cách để đày đọa Diệp Hạn.

Các bạn có thấy Diệp Hạn giống với cô bé Lọ Lem không?

Cuộc sống của Diệp Hạn thật khó khăn, nhưng nàng có một chú cá nhỏ để bầu bạn (còn cô bé Lọ Lem có lũ chuột bầu bạn), và nàng rất yêu quý nó. Chú cá này là niềm vui duy nhất của nàng. Hàng ngày, lúc Diệp Hạn ra chơi với cá, nó sẽ hớn hở bơi lên mặt nước để chào hỏi nàng.

Tuy nhiên, người mẹ kế đố kỵ với nàng đã sớm biết chuyện … Mỗi khi chú cá nhỏ thấy mẹ kế đến gần, nó sẽ lập tức lặn sâu xuống nước để tránh ánh mắt đầy sát khí của bà ta.

Một hôm, mẹ kế giả dạng Diệp Hạn và bắt chước giọng nói của nàng để dụ chú cá bơi lên mặt nước. Chú cá nhỏ vô tội không thể thoát khỏi lưỡi dao của mẹ kế nham hiểm. Mọi việc đã quá muộn. Hai mẹ con mẹ kế đã ăn thịt cá và chôn xương cá xuống đất.

Khi Diệp Hạn biết bạn mình đã bị ăn thịt, nàng khóc nức nở. Nếu cô bé Lọ Lem có bà tiên đỡ đầu, thì Diệp Hạn lại có ông tiên đỡ đầu là một Đạo sĩ khoác áo bào với bộ râu dài. Ngay lúc này, ông tiên đỡ đầu xuất hiện.

Ông nói với nàng: “Con của ta đừng khóc nữa. Ta biết xương cá được chôn ở đâu. Con hãy mau đi đào nó lên, nhưng con phải giữ bí mật. Lúc con cần giúp đỡ, con hãy cầu nguyện với bộ xương bất cứ điều gì con muốn. Nhưng hãy nhớ kỹ, con không được nổi lòng tham, nếu không thì Thần tiên sẽ trừng phạt con.”

Chiếc giày thủy tinh

Lễ hội năm mới được tổ chức cho dân làng, em kế của Diệp Hạn thích thú lên kế hoạch đi chơi lễ với mong muốn tìm phu quân tương lai.

Diệp Hạn cũng muốn tham dự lễ hội, nhưng mẹ kế đã ngăn cản không cho nàng ra ngoài. Bà ta lo sợ nhan sắc của Diệp Hạn sẽ lấn át con gái bà.

Vì không có trang phục đi dự lễ hội, nên Diệp Hạn đã cầu nguyện trước bộ xương cá. Thật bất ngờ, quần áo trên người nàng hóa thành bộ váy lụa lộng lẫy kèm theo áo choàng lông vũ và một đôi giày thủy tinh màu vàng óng ánh.

Nhờ có bộ xương cá thần kỳ và ông tiên đỡ đầu, Diệp Hạn có thể đi dự lễ hội năm mới. Ở lễ hội, nàng đã thu hút sự chú ý của đám đông. Những người tham dự lễ hội đều trầm trồ thán phục nhan sắc của nàng, vẻ mặt thiên thần với nụ cười duyên dáng và dáng vẻ yêu kiều.

Ngay khi Diệp Hạn được mọi người chú ý, nàng đã bị người em kế phát hiện.

Người em kế thảng thốt la lên: “Kìa mẹ! Đó chẳng phải là chị con sao?!”

Nghe thấy tiếng la của em kế, Diệp Hạn liền vội bỏ đi, và một chiếc giày đã rơi khỏi bàn chân xinh xắn của nàng.

Ngay sau đó, chiếc giày thủy tinh đã đến tay của một vị vua trẻ khôi ngô tuấn tú. Nhà vua thật lòng muốn tìm ra chủ nhân của chiếc giày.

Nhà vua đã phải lòng nữ chủ nhân của chiếc giày. Nhà vua bèn tuyên bố ngài sẽ kết hôn với người con gái nào xỏ vừa chiếc giày thủy tinh và sống trọn đời bên nàng.

Nhiều thiếu nữ đã đến thử vận may, nhưng không một ai xỏ vừa chiếc giày.

Nhà vua bèn ra lệnh cho tùy tùng tìm kiếm khắp nơi, lùng sục khắp từng ngõ ngách trong cả vương quốc để tìm ra chiếc giày còn lại. Cuối cùng, họ đã tìm thấy chiếc giày còn lại cùng với bộ váy lộng lẫy trong ngăn tủ của Diệp Hạn.

Sau đó, Diệp Hạn đã được đưa đến trước mặt nhà vua. Nhà vua trẻ chăm chú nhìn Diệp Hạn xỏ chân mang thử chiếc giày thủy tinh. Chiếc giày quả là vừa khít chân nàng!

Nhà vua đã tổ chức hôn lễ với Diệp Hạn ngay khi đám cưới được chuẩn bị xong. Diệp Hạn đã thoát khỏi hai mẹ con mẹ kế độc ác và mãi mãi chung sống hạnh phúc bên cạnh nhà vua.

Diệp Hạn là một thiếu nữ có tâm hồn đẹp giống như gương mặt của nàng. Nàng ấy đã tha thứ cho hai mẹ con mẹ kế. Mặc dù đã chịu biết bao thống khổ khi chung sống với họ, nào là bị sỉ nhục, ức hiếp và bị đối xử tàn độc; nhưng nàng không hề oán hận họ. Có lẽ đây là một trong những bí quyết giúp Diệp Hạn trở nên xinh đẹp.

Đây là phiên bản phổ biến nhất của truyện cổ tích cô bé Lọ Lem, nhưng câu chuyện còn có nhiều biến tấu khác nữa.

Phiên bản truyện cô bé Lọ Lem của Hy Lạp nổi bật với đôi dép sandal, phiên bản truyện của Iraq cũng tương tự; nhưng phiên bản truyện của Trung Quốc và Pháp đều là đôi giày thủy tinh màu vàng óng ánh. Các phiên bản truyện của Nga, Việt Nam, Tây Tạng và Thái Lan cũng tương tự.

Dù có một số khác biệt về văn hóa, ví dụ như phiên bản truyện ở châu Á nổi bật với đặc điểm về luân hồi; nhưng nhìn chung giá trị đạo đức phổ quát của các phiên bản truyện ở phương Đông lẫn phương Tây đều là lòng tốt và sự tha thứ. Tha thứ cho những kẻ làm điều sai trái chỉ vì lòng đố kỵ và thù hận, đồng thời giữ vững thiện lương trong tâm, ngay cả khi không còn một tia hy vọng nào.

Cho đến nay, khái niệm “truyện cổ tích cô bé Lọ Lem” vẫn là một trong những cốt truyện dễ thương nhất sống mãi với thời gian — người tốt gặp phải bất hạnh, chịu khổ chịu thiệt; thông qua kiên trì bền bỉ và giữ vững đức tin, cuối cùng họ sẽ nhận được bù đắp và có một cuộc sống hạnh phúc.


Bình luận