Thông cáo Báo chí

Vương Chiêu Quân — Viên Minh Châu của Hán Cung

Trung Quốc cổ đại có câu thành ngữ “Trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa” (Cá lặn chim sa, nguyệt thẹn hoa nhường) dùng để hình dung vẻ đẹp mỹ lệ của người con gái. Trong đó từ “lạc nhạn” (chim sa) thường được người dân dùng để liên tưởng đến vẻ đẹp của cung nữ Vương Chiêu Quân hòa thân với Hung Nô thời Tây Hán. Người dân tin rằng, khi nàng ngồi trên lưng ngựa, tay cầm cây đàn tỳ bà, tấu lên khúc ca quê hương, chim nhạn trên trời cũng phải ngỡ ngàng sửng sốt trước thanh âm u sầu và vẻ đẹp diễm lệ của nàng đến nỗi ngẩn ngơ quên sải cánh bay, từ trên không trung mà rơi xuống. Trong tích truyện được người đời lưu truyền này, chất chứa tình cảm mến mộ, tôn kính và thương cảm của nhiều thế hệ dành cho nàng Vương Chiêu Quân. Có lẽ, xúc cảm đan xen phức tạp này hiện lên càng sâu sắc trước cuộc giao chiến lịch sử hàng nghìn năm của hai nhà Hồ Hán và hình tượng của nàng Chiêu Quân cũng vì thế mà khắc sâu trong tiềm thức của người dân.

Bối cảnh của câu chuyện

Tự cổ chí kim, bên ngoài Vạn Lý Trường Thành, phía Bắc của dãy núi Âm Sơn là nơi sinh sống “dọc theo nơi có đồng cỏ và nguồn nước” của bộ tộc du mục. Khác với các bộ tộc có đất đai màu mỡ trời phú trong Vạn Lý Trường Thành, nơi sinh sống của các bộ tộc du mục ở phía Bắc sản vật nghèo nàn, vì vậy khi họ phát triển lớn mạnh liền đổ bộ xuống phía Nam xâm lược Trung Nguyên. Giữa thời Hán Sở, Thiền Vu Mạo Đốn của phương Bắc đã “giết cha kế vị” để thống nhất các bộ tộc Hung Nô, đồng thời nắm quyền kiểm soát hầu hết các khu vực lớn phía Tây trong tình thế Trung Nguyên đang chiến tranh loạn lạc, dân chúng lầm than.

Trong bối cảnh lúc bấy giờ, Thiền Vu Mạo Đốn điều quân tiến sâu vào núi Bạch Đăng bao vây Hán Cao Tổ Lưu Bang vốn đang khinh địch, Mạo Đốn suýt chút nữa đã tiêu diệt được Hoàng đế Đại Hán mới đăng cơ. Sau khi Lưu Bang thoát khỏi vây khốn, ông đã vận dụng kế sách của mưu sĩ Lâu Kính, lựa chọn cung nữ trong triều Hán để hòa thân với bộ tộc Hung Nô xa xôi, ổn định biên cương.

Kể từ đó, sách lược hòa thân này được kế thừa qua các thời Huệ Đế, Văn Đế, Cảnh Đế của triều Hán và những năm đầu trị vì của Vũ Đế, mãi cho cho đến khi Vũ Đế tuyên uy sa mạc thì tình hình mới có sự thay đổi. Đến thời Nguyên Đế, triều Hán điều binh hiệp trợ thủ lĩnh của tộc Hung Nô phía Nam Thiền Vu Hô Hàn Tà để thống nhất lãnh thổ Hung Nô. Khi Thiền Vu Hô Hàn Tà vào triều diện kiến hoàng đế, ngỏ ý muốn được liên hôn với nhà Hán. Lần hòa thân giữa hai bên này cuối cùng đã gỡ bỏ được mối thù hận suốt 100 năm, thật sự kiến lập mối quan hệ hữu hảo, hai nước kết giao thiết lập hòa ước. Mà trong giai đoạn lịch sử quan trọng này, nhân vật tỏa sáng nhất lại là nàng Vương Chiêu Quân.

Vào thời kỳ đầu triều Hán, thế lực của Hung Nô tương đối hùng mạnh nên một cuộc liên hôn thời đó không tránh khỏi cảm giác tủi nhục, vì vậy nỗi niềm thương nhớ cố hương luôn thường trực trong cuộc sống của những nữ nhân gả xa quê hương, họ không cách nào thích nghi với phong tục của người dân du mục. Họ cảm thấy hổ thẹn trước tập tục trái với luân thường đạo lý như “thu kế hôn” (cha chết con lấy mẹ thứ, chú chết cháu lấy thím, anh chết em trai lấy chị dâu, em trai chết anh lấy em dâu). Hòa thân là sự tủi nhục, gả chồng xa đồng nghĩa với không cách nào trở về cố quốc. Điều này lẽ ra phải được sự đồng thuận của người dân thời đó, nhưng những nam thanh nữ tú sẽ không nguyện ý mà “vi quốc vong thân” (vì nước quên mình). Tuy nhiên, nàng Vương Chiêu Quân lại là trường hợp ngoại lệ duy nhất.

Ghi chép trong chính sử

Theo ghi chép trong “Hán Thi, Cầm Khúc Ca Từ”, khi sứ thần của Hung Nô vào triều yết kiến, Hán Nguyên Đế hỏi sứ thần Hung Nô muốn điều gì, người này đã thuật lại lời của Thiền Vu như sau: “Đất nước Hung Nô bảo vật quý quá đều có nhiều rồi, duy chỉ thiếu một thê tử xinh đẹp.” Nghe vậy, Hán Nguyên Đế hỏi những nữ nhân hậu cung có mặt tại đó rằng: “Có ai nguyện ý gả đến Hung Nô xa xôi?” Chỉ có duy nhất một nữ nhân xinh đẹp kiều diễm đứng dậy, xin thưa: “Thần thiếp dung mạo xấu xí, không nhận được sự sủng hạnh của bệ hạ, vì vậy thiếp nguyện ý gả đến Hung Nô xa xôi.” Hán Nguyên Đế thấy vậy kinh ngạc không thôi, nữ nhân này dung mạo hơn người, tài sắc vẹn toàn, có điểm nào khó coi? Bộ y phục rực rỡ diễm lệ nàng khoác trên mình càng làm tôn lên dáng vẻ tựa như tiên nữ của nàng. Nguyên Đế muốn đổi ý, nhưng sứ giả của Hung Nô ngang ngược lại ở ngay bên cạnh, nếu ông khước từ, hắn nhất định sẽ nghĩ ông lòng dạ hẹp hòi, từ đó khiến mối quan hệ giữa hai nước càng thêm xa cách. Vì vậy, Nguyên Đế chỉ có thể miễn cưỡng đồng ý.

Tại sao nàng Vương Chiêu Quân lại nguyện ý tiến cử mình gả đến tận Hung Nô xa xôi? Theo “Hậu Hán Thư” ghi chép, nàng tiến cung nhiều năm nhưng lại không được hoàng đế sủng ái, để mắt tới. Vì vậy, thay vì tiếp tục cuộc sống u uất trong cung, chi bằng gả đến Hung Nô xa xôi, hy sinh thân mình cho sự an định nơi biên cương của đất nước.

Câu chuyện truyền kỳ dân gian

Tại sao một nữ nhân nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần lại bị chôn vùi chốn hậu cung suốt nhiều năm, không được tiến cử lên hoàng đế? Mặc dù trong chính sử không có lời giải đáp cho nghi hoặc này, nhưng tác giả của cuốn tiểu thuyết ghi chép thời Hán “Tây Kinh Tạp Ký” có lẽ sẽ cho chúng ta một câu trả lời thích đáng.

Trong “Tây Kinh Tạp Ký” có viết, dưới thời của Hán Nguyên Đế, sau khi các tú nữ được tuyển chọn vào cung, sẽ do các họa sĩ xuất sắc vẽ chân dung và Nguyên Đế sẽ từ những bức họa để chọn cho mình mỹ nữ thuận mắt để lấy làm phi. Các cung nữ vì thế mà ra sức hối lộ cho các họa sĩ, ôm hy vọng họ sẽ vẽ mình thêm phần xinh đẹp, duy chỉ có nàng Vương Chiêu Quân nhất quyết từ chối. Khi phía Hung Nô đến cầu thân mới là lần đầu tiên Nguyên Đế nhìn thấy nàng Vương Chiêu Quân, mới thấy được nữ nhân này không chỉ dung mạo mỹ lệ, mà khí chất xuất chúng, khiến ông hối hận không nguôi, tiếc nuối không được gặp nàng sớm hơn. Sau đó, Nguyên Đế xét tội các họa sĩ, xử tử toàn bộ những họa sĩ ưu tú nhất kinh thành như Mao Diên Thọ, Trần Thưởng.

Tầm ảnh hưởng đến hậu thế

Câu chuyện “Họa Cung Khí Thị” đã khắc họa hình tượng của nàng Chiêu Quân và Nguyên Đế một cách sống động, vì vậy tình tiết kịch tính để lại cho độc giả ấn tượng khó quên, cũng nhờ vậy mà câu chuyện được lan truyền rộng rãi. Mã Trí Viễn, một nhà soạn kịch trứ danh triều đại nhà Nguyên đã dựa trên câu chuyện này để sáng tác vở kịch “Hán Cung Thu”, và sau này được tán thưởng là vở kịch đệ nhất. Nhiều văn nhân, thi sĩ trong các triều đại khi thương cảm, khi ngâm thơ tán thưởng, khi chắp bút gợi nhớ về tích truyện nổi tiếng này; tương truyền bản nhạc khúc “Oán kháng tư duy ca” do đích thân nàng Chiêu Quân sáng tác, sau đó được phổ thành nhạc phủ cầm khúc “Chiêu Quân oán” và được lưu truyền đến ngày nay.

Nàng Vương Chiêu Quân sau khi gả đến Hung Nô xa xôi, biên cương hai nhà Hồ-Hán đã được an định trong nhiều thập niên, bách tính cũng vì vậy mà tránh được tai họa chiến tranh. Dân chúng đều cảm kích công lao của nàng, thậm chí còn ví nàng với các đại tướng quân thân trinh nơi sa trường như Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh thời Vũ Đế.

Tuy nhiên, đằng sau sự thành công luôn chứa đầy cay đắng. Nàng Chiêu Quân sau khi gả cho Thiền Vu Hô Hàn Tà và sinh hạ được một người con trai thì y qua đời, con trai của y là Thiền Vu Phục Chu Luy theo tập tục “thu kế hôn” sẽ lấy nàng Chiêu Quân làm vợ. Trước khi tái hôn, nàng Chiêu Quân từng gửi một bức thư lên triều đình, khẩn cầu được trở về nước Hán nhưng không thành, vì vậy nàng chỉ có thể tái hôn với con trai mình - Thiền vu Phục Chu Luy và sinh hạ được hai người con gái, cuối cùng nàng qua đời ở ngoại quốc nhưng vẫn đau đáu nỗi thương nhớ cố quốc.

Nơi an táng của nàng Chiêu Quân được người dân gọi là “Thanh Trủng” (nay là thành phố Huhehot), là vì màu cỏ của phương Bắc vốn là màu trắng, chỉ có cỏ trước ngôi mộ của nàng Chiêu Quân nguyên một màu xanh lam, như thể chúng được tắm qua nước của tỉnh Hương Khuê nơi cố hương phương Nam (nay là Hồ Bắc) của nàng Chiêu Quân.

Về cảnh ngộ của nàng Vương Chiêu Quân, Đỗ Phủ từng cảm thán rằng:

“Nhất khứ tử đài liên sóc mạc
Độc lưu thanh trủng hướng hoàng hôn”

Tạm dịch:

“Người theo sa mạc bắc đi
Nay còn phần mộ xanh rì hoàng hôn”

Đỗ Phủ bùi ngùi nuối tiếc một giai nhân một đi không trở lại. Tuy nhiên, so với ba ngàn cung nữ cô quạnh đến già trong cung mà nói, nàng Vương Chiêu Quân đã có một quyết định túc trí và dũng cảm, được lưu danh sử sách và được muôn đời ca tụng. Dám vì nghĩa lớn của đất nước mà xem nhẹ cuộc sống hạnh phúc đời người, chẳng phải vì nàng Vương Chiêu Quan gan dạ, lòng ôm chí lớn hơn người hay sao?

Nhà thơ Uông Tuân thời nhà Đường đã tán thưởng công trạng của nàng trong bài thơ “Chiêu Quân” như sau:

“Hán gia thiên tử trấn hoàn doanh
Tắc bắc Khương Hồ vị bãi binh
Mãnh tương mưu thần đồ tự quý
Nga mi nhất tiếu tắc trần thanh.”

Tạm dịch:

“Hán Nguyên Đế trấn giữ bờ cõi
Tái Bắc Khương Hồ không bãi binh
Mãnh tướng mưu thần thân cao quý
Mỹ nhân mỉm cười phủi sạch bụi trần.”

Tiết mục "Câu chuyện Vương Chiêu Quân" của Shen Yun trong mùa diễn 2021-2022 đã mang câu chuyện này đến với sân khấu vũ kịch thế giới.

Bình luận