Nhiều người có thể cho rằng tiếng Trung là một ngôn ngữ đơn giản. Trên thực tế, khắp đất nước Trung Quốc có hàng trăm loại ngôn ngữ địa phương, trong đó có nhiều loại mà người dân ở các địa phương khác không hiểu, các loại ngôn ngữ địa phương thậm chí còn phân thành các nhánh nhỏ. Tiếng Trung trong quan niệm của hầu hết mọi người cũng là một trong các ngôn ngữ địa phương, được gọi là tiếng Phổ thông, mặc dù tiếng Quan Thoại cũng có rất nhiều người sử dụng, đặc biệt ở miền Nam Trung Quốc, Hồng Kông và các khu phố Tàu trên khắp thế giới.
Với sự đa dạng chủng loại như vậy, những người nói tiếng Trung giao tiếp với nhau như thế nào? Mặc cho những khác biệt về phát âm, ngữ pháp, đặc trưng địa phương, một khía cạnh của ngôn ngữ đã được chuẩn hóa trên khắp Trung Quốc, thậm chí còn lan rộng sang các nước Đông Á khác: Đó chính là Hán văn Cổ điển hay Văn Ngôn Văn.
Bắt nguồn từ khẩu ngữ tiếng Trung vào trước thời nhà Tần (221 - 207 TCN), Hán văn Cổ điển dần dần được tách khỏi khẩu ngữ thông thường và phát triển thành một ngôn ngữ riêng trong văn học cổ điển và trong văn viết chính thức.
Một loại ngôn ngữ chỉ dùng trong văn viết
Trong Hán ngữ hiện đại, hầu hết từ ngữ được cấu thành bởi hai hoặc nhiều chữ hơn, chúng cùng nhau tạo thành một ý nghĩa cụ thể. Ví dụ hãy xem chữ 文 (văn). Khi được ghép cùng chữ 化 (hóa), nó trở thành 文化, có nghĩa là “văn hóa”; khi được ghép cùng chữ 件 (kiện), nó trở thành 文件, có nghĩa là “văn kiện”; và khi ghép cùng chữ 字 (tự), nó trở thành 文字, nghĩa là “văn tự.”
Nhưng trong Hán văn Cổ điển, hầu hết các từ chỉ bao gồm một chữ đơn và có thể được sử dụng với vai trò các từ loại khác nhau. Vì vậy, 文 bản thân nó có thể mang tất cả các nghĩa nói trên. Nó cũng có thể mang ý nghĩa là “văn” đối ngược ý nghĩa với võ; hoặc mô tả một người hòa nhã, thanh lịch hay văn nhân; hoặc thậm chí có thể là họ của một người. Manh mối nằm trong ngữ cảnh và phụ thuộc vào sự lý giải của người đọc để luận ra ý nghĩa.
Văn Ngôn Văn (文言文) là một cách gọi khác của Hán văn Cổ điển. Hãy chú ý chữ Văn (文) xuất hiện ở cả vị trí đầu tiên và vị trí thứ ba. Vì vậy, thuật ngữ này cũng đã phản ánh khái niệm quan trọng nhất trong Hán văn Cổ điển: lý giải linh hoạt.
Rõ ràng, Văn Ngôn Văn (文言文) có thể mang một loạt các ý nghĩa khác nhau. Một khả năng trong đó là “một văn kiện nói về văn tự." Một khả năng khác là “văn tự thanh nhã.” Hoặc cũng có thể là “một văn bản nói về cách làm một người hòa nhã, thanh lịch.” Hoặc cũng có thể là “ghi chép lời nói của bà Văn," hoặc thậm chí là “ông Văn nói về văn học.” Nhưng thông thường Văn Ngôn Văn (文言文) được hiểu với ý nghĩa là “chữ viết ngôn ngữ văn chương.”
Nhưng trong tiếng Trung rất nhiều chữ có âm đọc giống nhau nhưng được viết hoàn toàn khác nhau, vì vậy khi nói chuyện dùng Hán văn Cổ điển sẽ rất dễ nhầm lẫn. Hãy nhìn lại chữ 文 (văn) một lần nữa. Nó có cùng âm đọc với chữ 聞 (lắng nghe), 紋 (vân gỗ), 蚊 (con muỗi), v.v.
Khi sử dụng trong khẩu ngữ, gần như lập tức sẽ xuất hiện nhầm lẫn. Nhưng trong văn viết khi sử dụng Hán văn Cổ điển, sẽ không có sự mơ hồ trong việc chữ nào được chủ định sử dụng trong câu văn.