Từ triều đại nhà Tần (221-206 TCN), Trung Quốc bắt đầu coi hoàng đế là người thống trị tối cao của quốc gia, nhưng bắt đầu từ triều đại nhà Hán, quyền lực hoàng đế vẫn luôn chịu sự ước thúc của tư tưởng Nho gia. Vị đại nho Đổng Trọng Thư của triều đại nhà Hán đã dâng lên Hán Vũ Đế bài “Thiên nhân tam sách," đưa ra luận điểm cho thấy tại sao hoàng đế phải tuân theo tư tưởng “chính trị nhân từ” để cai trị quốc gia.
Mặc dù Trung Quốc cổ đại không có hiến pháp được ghi chép thành văn bản, song văn hóa Nho gia đã khởi tác dụng thay thế hiến pháp để ước thúc hoàng quyền. Kể từ triều đại nhà Tùy (581-618 SCN) và nhà Đường (618-907 SCN), chế độ chính trị của Trung Quốc là “tam tỉnh lục bộ,” giống như chế độ phân quyền đối trọng của phương Tây, mệnh lệnh của hoàng đế cần có sự thẩm tra kỹ lưỡng của Môn hạ tỉnh (một trong tam tỉnh), hơn nữa Môn hạ tỉnh cũng có quyền từ chối chiếu mệnh của hoàng đế. Tống Thái Tổ đã lập lời thề không giết các đại thần và ngôn quan (những người phê bình triều chính), qua đó đã thực hiện được chính sách tương đương với “tự do ngôn luận.”
Trung Quốc từ khi bắt đầu nền văn minh cho đến trước khi Trung Cộng đoạt lấy chính quyền vẫn luôn chú trọng bảo hộ tài sản tư hữu, sự quản lý của chính phủ đối với người dân chỉ tới cấp huyện (tương đương với cấp thành thị của hiện tại), trừ việc triệu tập đi lính, thu thuế và lao dịch, chính quyền không can thiệp tới cuộc sống của người dân.
Tư tưởng Đạo gia chú trọng âm dương hài hòa, Nho gia ủng hộ việc quân tử “hòa mà bất đồng," xã hội Trung Quốc cổ xưa là xã hội đa nguyên và bao dung. Đặc biệt vào triều đại nhà Đường, không chỉ Nho, Thích, Đạo tạo nên cục diện cực kỳ phồn vinh, mà Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo và các tôn giáo khác của Trung Đông cũng được tự do truyền đạo và phát triển tại Trung Quốc.
Hoàng Đế tự xưng là “Thiên tử,” tất phải tiếp thụ sự ước thúc của “Thiên đạo,” nhất định phải kính Thần, tôn trọng truyền thống và văn hóa. Điều này không chỉ xuất hiện riêng ở Trung Quốc, mà trong suốt quá trình lịch sử các ví dụ tương tự có thể được tìm thấy tại La Mã cổ đại hoặc thời Trung Cổ ở phương Tây.
Từ khi Khổng Tử bắt đầu mở trường học tư nhân (tư học), người dân Trung Quốc đã có được quyền lợi giáo dục bình đẳng. Từ triều đại nhà Hán (206TCN-220SCN), Trung Quốc đã có trường Thái học để bồi dưỡng nhân tài một cách hệ thống. Từ triều đại nhà Tùy (581-618SCN), Trung Quốc cũng đã có chế độ tuyển chọn nhân tài hoàn chỉnh và công minh.
Vào thời nhà Thanh, tổng sản phẩm quốc dân của Trung Quốc đã có lúc vượt quá 50% tổng sản phẩm của toàn thế giới.
Xã hội cổ đại mang trong mình khí chất thuần hậu, môi trường chính trị độ lượng, cuộc sống của người dân hòa ái hạnh phúc, những điều này từ sau khi ĐCSTQ thống trị đều không có cách nào đạt được.