Thông cáo Báo chí

Truyền thuyết về vị Hoàng Đế có bốn mặt
    

Người ta thường nói tất cả người Trung Quốc có chung một tổ tiên là Hiên Viên Hoàng Đế. Ông là vị hoàng đế đầu tiên của vùng đất sau này trở thành Trung Quốc. Ông bắt đầu trị vì từ năm 2697 TCN. Ông đã thống nhất các bộ tộc ở vùng đồng bằng sông Hoàng Hà thành một nhà nước đơn nhất.

Vị hoàng đế mới có bốn mặt quay về bốn hướng quan sát lãnh thổ của mình. Dù ông đi đến đâu, cũng có một đoàn kỳ linh dị thú vây quanh. Sau nhiều năm tu Đạo, ông đã từ bỏ ngai vàng, bàn giao việc triều chính cho các đại thần và lui về ở ẩn để hoàn thành tâm nguyện tu luyện viên mãn. Ông tu luyện đắc Đạo, bạch nhật phi thăng, cưỡi rồng bay về trời dưới sự chứng kiến của tất cả thần dân.

Hoàng Đế trong ký ức của chúng ta là sự pha trộn giữa huyền bí và lịch sử. Ông là một hoàng đế, một nhà phát minh, một tổ phụ lập quốc, một vị Thần. Một số học giả hiện đại cho rằng, ông là một huyền thoại được ghi chép trong lịch sử như một người có thật. Trong khi đó, các học giả Trung Quốc thời xưa đã ghi chép về ông như một người có thật trong lịch sử và sau này trở thành một huyền thoại.

Tóm lại, Hoàng Đế có phải là vị Thần thủy tổ của tất cả người Trung Quốc, người đã từng giao chiến với Thần Gió và Thần Mưa với sự trợ giúp của con gái ông là Nữ thần Hạn Bạt? Hay ông là một vị hoàng đế cổ đại, người đã khai thông tuyến đường giữa các nước chư hầu, hiện nay đã bị chôn vùi ở tỉnh Thiểm Tây? Hay ông là một trong những người tu Đạo sớm nhất từng được ghi chép lại?

Có lẽ ông từng là một số trong đó. Dựa theo một truyền thuyết, ông đã lệnh cho sử quan Lệ Thủ phát minh ra toán học, Thương Hiệt phát minh ra hệ thống chữ viết lâu đời nhất của Trung Quốc. Người vợ đầu tiên của ông là Luy Tổ, đã phát minh ra tơ lụa và nghề nuôi tằm. Người vợ thứ tư của ông là Mô Mẫu, đã góp phần phát minh ra chiếc gương.

Hoàng Đế có công phát minh ra nhiều vật dụng hữu ích như lịch và la bàn. Vở múa “Tiếng trống âm vang” (Resounding Drums) của mùa diễn Shen Yun 2006 gợi nhớ về truyền thuyết Hoàng Đế phát minh ra trống — nó không chỉ là một loại nhạc cụ mang tính nghệ thuật, mà còn được sử dụng ngoài chiến trường. Tiếng trống trận vang dội như sấm thúc giục sĩ khí của binh lính và phân tán lực lượng của quân địch. Truyền thuyết kể rằng, đội quân của Hoàng Đế nghe thấy cũng run rẩy, do đó ông đã phát minh ra cổ cầm (guqin) để xoa dịu tinh thần của họ.

Trong tư tưởng Trung Quốc cổ đại, “nhạc” và “dược” có mối liên hệ mật thiết, vậy nên một trong những thành tựu của Hoàng Đế cũng bao gồm hai lĩnh vực này, tác phẩm “Hoàng Đế Nội Kinh” (黃帝內經 Huángdì Nèijīng) của ông được xem là tài liệu y học cổ nhất thế giới.

Cuối cùng, chúng ta hãy nói về một trường hợp nữa cho thấy Hoàng Đế là tổ tiên của nhiều người Trung Quốc. Theo ghi chép của nhà sử học lỗi lạc Tư Mã Thiên, Hoàng Đế có 25 người con trai, 14 người lấy họ riêng, lập ra các thị tộc định cư ở vùng đồng bằng sông Hoàng Hà hàng ngàn năm sau, đặt định cơ sở huyết thống cho dân tộc Trung Hoa.