Với hàng trăm chủng loại có màu sắc rực rỡ, trang phục của dân tộc Miêu là một trong những viên ngọc quý của trang phục Trung Hoa cổ truyền.
Người Miêu, hay Hơ-mông, là nhóm dân tộc thiểu số có lịch sử từ thời nhà Tần, khoảng thế kỉ thứ 3 Trước Công nguyên. Các cô gái Miêu thường thích mặc các màu lộng lẫy, phóng khoáng với độ tương phản cao và sắc độ mạnh. Họ thích màu đỏ, đen, trắng, vàng và xanh dương. Nhiều trang phục may thêu được kết hợp với vô số phụ kiện trang trí lấp lánh trên đầu, cổ và cổ áo. Vòng tay và những phụ kiện bạc khác cùng góp phần làm nên bộ trang phục Miêu độc đáo.
Trang phục của người Miêu được phân biệt bởi tuổi của người mặc và vùng miền xuất xứ. Váy dài của phụ nữ thường nặng tới vài ký. Một bộ trang phục Hơ-mông thường bao gồm áo cánh có cổ lớn và ống tay nhỏ, khoác ngoài một chiếc váy xếp.
Váy của người Miêu có từ 30 đến 40 lớp. Chúng được trang trí với kim tuyến màu sáng, hoạ tiết thêu tỉ mỉ và các mũi khâu chữ thập khéo léo. Tất cả đều được nhuộm theo lối batic - bôi sáp lên để tạo ra hoa văn, thường là hoa văn cây cỏ và động vật.
Thông thường những bộ trang phục quý giá này được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Khi may trang phục, các cô gái Miêu thường tự làm mọi thứ - dệt vải, may, và thêu tay dải băng hoa văn quấn quanh eo và yếm ngực, công việc này có thể mất một tới hai năm.
Có lẽ điểm nổi bật dễ thấy nhất của trang phục người Hơ-mông là sự phong phú của các phụ kiện bạc. Cổ áo có thể mang tới 7 chiếc vòng và nặng tới hơn 2kg. Trong văn hoá Hơ-mông, bạc thể hiện vị trí trong gia đình, tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn, và được tin rằng có sức mạnh đuổi tà ma.
Các mẫu thêu trên trang phục người Miêu và các phụ kiện bạc đặc trưng chính là bộ sách giáo khoa về lịch sử của dân tộc này. Họ không có chữ viết riêng, thay vào đó, họ ghi lại các câu chuyện lên trang phục, bao gồm truyền thuyết về nguồn gốc của tổ tiên và các tập tục thờ phụng.