Plato nói: “Những thứ mà chúng ta cho là thực tế chỉ là những cái bóng trên tường” (The things which we perceive as real are actually just shadows on a wall). 3.000 năm trước, trong Kinh Dịch của Trung Quốc có viết: “Hình nhi thượng giả vị chi đạo, hình nhi hạ giả vị chi khí” (Những vật vô hình nằm trong hình thể gọi là "đạo", những vật hữu hình nằm trong hình thể gọi là "khí").
Ví dụ khi nói đến võ thuật Trung Quốc, đa số người phương Tây liên tưởng đến Lý Tiểu Long, phim "Ngọa hổ tàng long" hay phim hoạt hình “Kung fu Panda.” Kỳ thực, những loại võ công sử dụng trong chiến đấu hoàn toàn không phải là võ công ở tầng cao nhất. Người Trung quốc có câu “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm.” Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, nhà sáng lập võ công Thiếu Lâm Tự, cũng là sơ tổ của Thiền Tông, là một người tu luyện Phật gia. Trong “Đăng Phong Huyền Chí” có ghi chép “Đạt Ma ở trong thạch động trên núi Ngũ Nhũ Phong của Thiếu Lâm Tự diện bích chín năm, bóng hình đã in vào đá, do đó gọi là diện bích thạch. Tấm đá trắng dài hơn ba thước, trên đá có hình ảnh màu đen, như vẽ bằng mực màu nhạt. Mơ hồ hiện lên hình ảnh một vị tăng nhân, lưng tựa vào tấm đá, lộ ra một bên cằm, quần áo dường như vẫn nguyên vẹn.” Huệ Năng (638-713 SCN), đại đệ tử đời thứ sáu của sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, sau khi viên tịch nhục thân không bị mục nát, đến nay vẫn ngồi ngay ngắn trong chùa Nam Hoa ở Quảng Đông. Người phương Tây còn quen thuộc với Thái Cực Quyền do Trương Tam Phong trong triều đại nhà Minh sáng lập tại núi Võ Đang. Trương Tam Phong là người tu luyện Đạo gia, ông đã sống đến hơn 130 tuổi, sau đó không rõ tung tích.
Cũng giống như cảnh giới cao nhất của võ công tuyệt đối không phải là chiến đấu của “hình nhi hạ giả” mà là văn hóa tu luyện Phật gia và Đạo gia của “hình nhi thượng giả”, những biểu tượng văn hóa của Trung Quốc như y học, thiên văn, vũ đạo, âm nhạc, hội họa, binh pháp, văn học, thơ ca, ẩm thực, kiến trúc khi đạt tới cảnh giới tối cao đều lấy tu luyện Phật gia, Đạo gia hoặc hệ thống triết học của Nho gia làm chỉ đạo, chứ không chỉ dừng lại ở tầng đồ vật mà con người nhìn thấy được và chạm vào được.
Tại Trung Quốc Đại Lục ngày nay, “văn hóa truyền thống” mà người ta đàm luận đến và thể hiện ra thường bị cục hạn ở tầng đồ vật, còn nội hàm tinh thần của văn hóa lại bị phá hủy và lãng quên. Chính vì nội hàm tinh thần được truyền tải qua văn hóa truyền thống sẽ từ phương diện đạo đức và triết học mà giải thể hình thái ý thức của Trung Cộng, cho nên nó đã trở thành đối tượng bị Trung Cộng tận lực phá hủy và đàn áp. Trải qua vài thập niên dưới sự phá hủy và kiểm duyệt văn hóa một cách có hệ thống cũng như những tuyên truyền sai lệch của Trung Cộng, tuyệt đại đa số người dân Trung Quốc đã xa rời khỏi văn hóa truyền thống chân chính mà không tự biết.