Coong! ! ! Nhạc trưởng nhẹ nhàng huơ tay, tấm màn lớn cũng dần dần hé mở, sân khấu huyền ảo hiện ra trước mắt khán giả. Khoảnh khắc khó quên này chính là lần đầu gặp gỡ giữa các nghệ sĩ và khán giả - một luồng sức mạnh tuôn chảy trong sự tĩnh lặng. Trong khoang nhạc, tiếng vĩ cầm dạt dào cảm xúc, tôi hít một hơi thật sâu, hòa cùng nhịp điệu. Thanh âm lúc trầm lúc bổng, tôi cũng thốt lên “woa”, từ không trung vút lên hai chiếc cầu vồng bằng dải lụa.
Óng ánh và mềm mại, dải lụa tôi cầm trên tay là người bạn đồng hành đáng tin cậy nhất, chỉ cần hất nhẹ cổ tay, bất kể đó là tạo hình thác nước trải dài 10 thước hay múa hình số "8", chúng đều sẽ hiện ra như ý. Khi tôi rời khỏi sân khấu, dải lụa lững lờ trôi tựa như dòng suối mát chảy theo sau, ngắm nhìn dải lụa đi theo như hình với bóng là thú vui lớn nhất của tôi.
Nhắc đến tơ lụa, không thể không nói về lịch sử của nó cũng lâu đời như văn hóa Trung Quốc, nó có nguồn gốc rất xa xưa.
Nguồn gốc của tơ lụa
Khoảng năm 3.000 TCN, vào một buổi chiều mát mẻ, thê tử của Hoàng Đế là Hoàng hậu Luy Tổ, đang cùng mấy cô bạn hái quả dại ở sau vườn. Hoàng hậu đến dưới gốc dâu ven sông ngồi nghỉ, đột nhiên có một vật nhỏ nhắn quẹt vào mũi bà, rồi rơi xuống làn nước ấm của dòng sông dưới ánh mặt trời. Hoàng hậu lấy làm ngạc nhiên, sau đó bà phát hiện nó là một con nhộng hình bầu dục, màu trắng sữa và có vẻ hơi cứng. Bà bèn nhặt nó lên, thì thấy con nhộng rất mềm. Điều này cho thấy lớp vỏ bên ngoài con nhộng không phải là vỏ cứng, mà là một loại sợi mềm, cho nên nó mới bị mềm khi ngâm trong nước ấm. Hoàng hậu Luy Tổ kéo giãn con nhộng đã mềm, cuối cùng kéo ra sợi tơ dài đến 600 mét, ngang bằng chiều dài khu vườn của bà. Hoàng hậu cảm thấy thích thú, do đó bà đã nhặt thật nhiều nhộng bên dưới gốc dâu và lấy tơ của nó dệt thành vải lụa. Thành quả cuối cùng là những dải lụa mềm mại, óng ánh và mát lạnh.
Lấy cảm hứng từ thành quả này, Hoàng hậu Luy Tổ lần nữa háo hức tiến hành nghiên cứu sâu hơn. Trong lúc quan sát con tằm biến thành sâu bướm, bà phát hiện chúng không ăn bất cứ thứ gì ngoài lá dâu, cho nên bà đã thuyết phục phu quân trồng rừng dâu để tiện cho việc nuôi tằm. Hoàng hậu Luy Tổ đã sáng chế ra guồng quay tơ, cải tiến phương pháp dệt tơ tằm. Bà cũng là người sáng chế ra khung cửi. Hoàng hậu đã truyền dạy những thứ này cho tùy tùng của bà và bắt đầu nghề chăn nuôi tằm.
Một phát hiện tình cờ trong buổi chiều ngồi hóng mát, cuối cùng đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong văn hóa Trung Quốc. Câu chuyện “Luy Tổ thủy tằm” cũng được truyền tụng kể từ đó.
Khởi đầu một Truyền thống
Tơ lụa tự nhiên nổi tiếng rất nhanh. Mềm mại và bền chắc, nhẹ nhàng và ưu nhã, ứng dụng rộng rãi và tính ưu việt của tơ lụa đã đem đến giá trị tuyệt vời cho nó. Tơ lụa không chỉ có khả năng giữ ấm vào mùa đông, làm mát vào mùa hè; mà nó còn có khả năng chống ẩm. Tơ lụa đã nhuộm trăm năm không bị phai màu. Có rất nhiều tri thức và tài liệu cổ xưa được bảo tồn trên tấm vải lụa. Ở những địa khu phát triển nghề nuôi tằm, ba thế hệ phụ nữ dưới cùng một mái nhà trong gia tộc sẽ cùng nhau nuôi tằm ở khắp nơi. Họ dành ra nửa năm để nuôi tằm; thời gian còn lại, họ sẽ dồn sức vào từng công đoạn sản xuất tơ lụa.
Trong 1.000 ngàn năm đầu tiên khi tơ lụa xuất hiện, về cơ bản nó chỉ được dùng cho vua chúa. Ngoại trừ dòng dõi hoàng tộc và trọng thần của triều đình, những người khác đều không được dùng. Về sau, thuận theo sản lượng gia tăng, tơ lụa cũng dần được phổ biến trong dân gian. Tuy nhiên, mỗi giai tầng đều có hạn chế về màu sắc, phục sức và kiểu dáng. Ví dụ, màu vàng là màu của Thiên tử. Trong quân đội, thường lấy khăn đội đầu bằng lụa với kiểu dáng khác nhau để phân biệt cấp bậc. Ngoài việc dùng để may quần áo và phục sức, tơ lụa còn được sử dụng trong nhiều phát minh khác, chẳng hạn như dây đàn làm bằng tơ, dây cung, dây câu cá, cuộn giấy lụa. Vào thời Hán, tơ lụa còn được sử dụng như một loại tiền tệ thông dụng.
Truyền bá ra thế giới
Do sâu tằm sống ở vùng Trung Nguyên, Trung Quốc thời xưa có tập quán kín tiếng giấu nghề, nên thế giới bên ngoài không biết đến nghề nuôi tằm. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng đến việc tơ lụa trở nên thịnh hành ở các địa khu này, rất nhiều quốc gia đều sẵn lòng đổi lụa với giá cao, nó cũng dẫn đến sự ra đời và phát triển của Con đường tơ lụa. Dòng dõi hoàng tộc và chính phủ các nước ngồi đó hưởng thụ thành quả từ việc mua bán tơ lụa, nhưng kỹ thuật sản xuất tơ lụa vẫn là một bí mật được cất giữ nghiêm ngặt, bất cứ người nào buôn lậu tằm hoặc trứng tằm đều sẽ bị xử tội chết.
Tuy nhiên, dù lệnh cấm có triệt để đến đâu thì vẫn có sơ sót. Sau khi được giữ bí mật suốt 2.000 năm, nghề nuôi tằm đã du nhập vào địa khu Triều Tiên và Ấn Độ thông qua dân nhập cư. Năm 440 SCN, nghề nuôi tằm từ Trung Quốc du nhập vào Tây Vực thông qua cuộc hôn nhân chính trị của một công chúa tiểu quốc. Nhưng vì công chúa và tùy tùng của bà không để lộ ra ngoài, nên châu Âu vẫn không biết đến nghề nuôi tằm.
Cuối cùng, mãi đến năm 550 SCN, hai thầy tu do Justinianus I phái đi mới thành công cất giấu trứng tằm trong chiếc gậy, rồi lén lút đưa nó về Byzantine. Trước đó, người La Mã vẫn luôn cho rằng tơ lụa “sinh ra trên lá cây, sau khi lấy xuống, sẽ dùng nước làm ẩm, rồi chế biến thành tơ, may thành y phục, chất lụa óng ánh trông rất bắt mắt” (Trích từ cuốn “Lịch sử tự nhiên của Plinius”) Đến lúc này, nghề nuôi tằm mới dần được truyền rộng ở lục địa châu Âu.
Tuy nhiên, khái niệm “tơ lụa đến từ phương Đông” chưa từng bị quên lãng, nó vượt khỏi rào cản thời gian; trong suốt 5.000 năm, nó đã len lỏi vào các triều đại của văn hóa Trung Quốc, và cuối cùng bước lên sân khấu của Shen Yun.
Bên trong vườn thượng uyển thời Tùy, ống tay áo lụa dài lấp lánh dưới ánh hoàng hôn, uyển chuyển nhảy múa quanh người tôi theo mỗi động tác. Thoáng chốc, tôi lại khoác lên người bộ áo lụa bào (kiểu dáng thời Đường) của Thiên nhân nhảy múa trong mây. Ở trên sân khấu, thời-không như ngưng đọng, cuối cùng một triều đại nữa sắp đến, tôi lại hóa thân thành nàng công chúa Mãn Thanh, tay cầm chiếc khăn lụa, thưởng ngoạn ngự hoa viên.
Ngày nay, chúng ta có thể nhìn thấy tơ lụa ở khắp nơi, nhưng nó vẫn được coi như biểu tượng của trí huệ Trung Quốc thời xưa. Mọi thứ đều bắt đầu từ một buổi chiều cách đây 5.000 năm về trước: Con nhộng “từ trên trời rơi xuống” vòng tay của một thiếu nữ cao quý, để cho các thế hệ sau được hưởng ân trạch của Đấng Tạo Hóa.
Những điều thú vị khác
- “Trung Quốc” trong tiếng Hy Lạp cổ là “Seres”, có nghĩa là “vùng đất của tơ lụa”.
- Trong hóa thạch nhộng đã qua sử dụng được tìm thấy bởi các nhà khảo cổ, tuổi đời sớm nhất có thể truy ngược đến năm 2600 TCN.
- Mua bán tơ lụa đã diễn ra trước khi xuất hiện Con đường tơ lụa, ghi chép sớm nhất có thể tra được là tấm vải liệm trên thân của một xác ướp từ năm 1070 TCN.
- Trước thời nhà Tần, dân thường không được mặc quần áo lụa.