Trong các sách cổ khác nhau của Trung Quốc đều ghi chép rằng Đại Vũ là người Tây Khương. Do đó có thể nói là dân tộc Khương cũng lâu đời như nền văn minh Hoa Hạ.
Đến thời nhà Hán, người dân tộc Khương rất đông, sống rải rác tại Trung Nguyên. Những người Khương tiến nhập vào Trung Nguyên chung sống rất hòa hợp với người Hán, người Khương hiện nay sinh sống ở vùng đất Tứ Xuyên vẫn lưu giữ được những tập quán văn hóa của người Khương cổ xưa.
Điệu múa dân gian của dân tộc Khương có thể chia thành 3 loại là giải trí, thờ cúng, và lễ nghi.
Một trong những điệu múa chủ yếu là điệu Tát Lãng. Trong mỗi dịp lễ truyền thống của dân tộc, hội họp, mừng vụ mùa bội thu hoặc ma chay cưới hỏi, họ đều nhảy điệu Tát Lãng. Hình thức thể hiện là nam trước nữ sau, xếp thành hình chữ nhất kiểu vòng cung, cùng nắm tay nhau nhảy múa, có thể múa trong nhà hoặc múa quanh đống lửa ngoài trời, thông thường không có nhạc cụ đệm tấu, nghệ sỹ múa vừa hát vừa nhảy, hoặc kết hợp nhịp nhàng giữa tiếng hô và tiếng dậm chân. Điệu Tát Lãng có đặc điểm vui nhộn, phong cách của nó được hình thành từ những tư thế độc đáo gồm những bước nhảy nhẹ nhàng nhanh nhẹn của phần chân, chuyển động theo trục đứng của thân trên và chống chân, lăng chân theo các hướng khác nhau.