Trong loạt bài này chúng ta sẽ tìm hiểu các nhân vật lịch sử của Trung Quốc cùng với "phiên bản phương Tây" của họ với sự tương đồng đáng kinh ngạc.
Từ năm 800 TCN đến 200 TCN là thời đại huy hoàng nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Trong thời gian này, cả phương Đông và phương Tây đều xuất hiện một vài vị thánh nhân đã đặt định các thể hệ tín ngưỡng cho hậu thế, trong đó có hai nhân vật chính của bài viết này - Lão Tử và Socrates.
Hai vị thánh nhân này, một vị là người đặt định thể hệ tín ngưỡng Đạo gia của nền văn minh Trung Hoa, một vị là người đặt định thể hệ triết học Hy Lạp của văn minh phương Tây, dường như trong cùng một thời kỳ lịch sử đồng nhất, đã tạo nên giá trị quan đạo đức chủ yếu và cốt lõi tinh thần của văn hoá cổ điển Đông Tây phương.
Đáng tiếc là hai vị thánh nhân này đều không thể tìm được tri kỷ ở quốc gia của mình. Lão Tử đã lưu lại tập Đạo Đức Kinh 5.000 chữ, không hy vọng thế nhân có thể thực sự liễu giải được những lời của ông, từ Hàm Cốc Quan liền rời khỏi trung nguyên đi về phương xa. Còn Socrates vì lời nói của mình mà bị định tội, bị toà án Athens kết án tử hình, trước khi bị tử hình ông đã giảng cho các đệ tử của mình những chân lý mà ông ngộ được.
Vậy nếu hai vị thánh nhân này có duyên tương ngộ tại một thời không nào đó, họ có lẽ sẽ trở thành tri kỷ của nhau, cùng nhau khám phá sự thâm thuý và huyền bí của vũ trụ? Chúng ta hãy cùng tưởng tượng một cuộc đối thoại đầy trí tuệ giữa hai vị.
* * *
Nhìn thấy một số người không màng liêm sỉ, luồn cúi kiếm lợi, còn một số người khác thì tranh giành những món hàng giảm giá, Socrates cảm thán nói: "Người giàu có nhất là người hài lòng với ít nhất, bởi sự mãn nguyện là của cải của tự nhiên."
Lão Tử vuốt râu mỉm cười nói: "Đúng vậy, người biết hài lòng là người giàu có."
Nhìn thấy những chủ quầy hàng bên đường rao bán hàng hoá một cách náo nhiệt, dưới ánh đèn, dòng xe ngựa đông đúc, tiếng ngựa hý vang khắp nơi, còn trong quán rượu là cảnh rượu chè ca hát, đâu đâu cũng là ồn ào tranh đấu, Socrates mỉm cười nói: "Im lặng là giai điệu sâu lắng nhất cho những ai có thể nghe thấy nó trên cả những tiếng ồn ào."
Lão Tử nói: "Đoạn tuyệt dục niệm sẽ có thể thanh tĩnh, thiên hạ sẽ tự nhiên yên bình."
"Hãy tự biết chính mình," Socrates liền nói thêm.
Lão Tử nói: "Đúng vậy, biết người là trí, biết mình là minh."
Một nhà quý tộc đi qua tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của họ, nhận ra đây là hai nhà thông thái. Mặc dù giàu có nhưng nhà quý tộc này lúc nào cũng chìm trong bi thương. Vì vậy ông ấy cố gắng mua những món đồ quý giá, kết giao với những mỹ nhân, để cố gắng quên đi những bi thương của mình. Tuy nhiên hạnh phúc mua được chỉ là phù du. Ông ấy tiến về phía hai vị thông thái và hỏi bí quyết để được hạnh phúc thực sự.
Lão Tử thở dài nói: "Những món đồ quý giá có thể khiến người ta có hành vi thất thường, từ đó sinh ra tổn hại cho bản thân."
Socrates an ủi nhà quý tộc và giải thích: "Bí quyết của hạnh phúc, ông thấy đấy, không phải nằm ở chỗ truy cầu nhiều hơn, mà nằm ở chỗ cho dù có được ít hơn cũng vẫn vui vẻ."
Nhà quý tộc tỏ ra trầm tư, nghĩ lại về cuộc sống của mình trước đây, dường như ngộ ra được điều gì đó.
Socrates nói tiếp: "Nhu cầu của con người càng ít, càng tiến gần đến Thần hơn."
Lúc này có một học giả tôn giáo đi qua, nghe thấy Socrates đang nói về Thần, không nhịn được liền muốn thể hiện học thức của bản thân, đứng trước hai vị thánh nhân, vị học giả lớn giọng giảng về nguồn gốc, lịch sử, và những học thuyết của các tôn giáo trên thế giới.
Hai vị thánh nhân nghe xong liền cười.
Socrates nói: "Ta không thể dạy người khác làm gì, ta chỉ có thể bảo họ tự suy xét."
Lão Tử nói: "Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri."
Vị học giả kia dường như phát hiện ra hai người đứng trước mặt ông có lai lịch không đơn giản, mình không thể giáo huấn, chỉ còn cách xấu hổ tự giác rời đi.
* * *
Trong dòng chảy dài của lịch sử, có vô số học giả mặc dù đọc hết hàng vạn cuốn sách vẫn không thể lưu lại trong lịch sử một câu một chữ nào, nhưng câu nói của những bậc thánh nhân chân chính, cho dù trải qua sự gột rửa hàng ngàn năm vẫn không mất đi ánh quang sáng chói của mình.