Tây Du Ký là một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Hoa, tác giả là đại tiểu thuyết gia Ngô Thừa Ân, sống vào thời Minh.
Kim Thiền Trưởng Lão, vốn là đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, do thái độ thất lễ với Phật Pháp nên bị giáng hạ xuống thế gian, trải qua 10 đời tu hành. Trong lần chuyển sinh thứ 10 là vào năm Trinh Quán của Đại Đường, pháp danh là Huyền Trang, còn gọi là Đường Tăng. Nhận được điểm hóa của Quán Thế Âm Bồ Tát, pháp sư Huyền Trang đã được vua Đường Thái Tông giao cho trách nhiệm đi Tây Thiên lấy Đại Thừa chân kinh. Dọc đường đi đã thu nhận Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh và Bạch Long Mã, bốn vị này đều do phạm luật trời nên phải hạ phàm chịu khổ, và cũng được Quán Thế Âm Bồ Tát giải cứu, quy y cửa Phật, làm đồ đệ bảo vệ Đường Tăng đi thỉnh kinh.
Trên đường đi có nhiều yêu ma quỷ quái muốn ăn thịt Đường Tăng, còn có những mê hoặc của phú quý, mỹ sắc. Trải qua 9 lần 9 là 81 lần gặp nạn, bốn thầy trò cuối cùng đã mang được chân kinh về Đông thổ, truyền lại cho muôn đời sau. Bốn thầy trò Đường Tăng cùng Bạch Long Mã đều đã thành chính quả.
Tác phẩm "Tây Du Ký" đã tạo nên rất nhiều hình tượng nhân vật sinh động, trong đó thành công nhất là Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới. Tôn Ngộ Không là con khỉ đá trời sinh, được Bồ Đề Sư tổ dạy cho nhiều phép thần thông biến hóa, đại náo thiên cung và địa ngục, sau đó được Ngọc Hoàng chiêu an và phong là Tề Thiên Đại Thánh. Nhưng sau đó Tôn Ngộ Không lại không an phận giữ mình, lại đại náo thiên cung, bị Phật Như Lai thu phục, nhốt tại chân dãy núi Ngũ Hành Sơn trong suốt 500 năm không thoát ra ngoài được. Đường Tăng trong khi đi qua Ngũ Hành Sơn đã cứu Ngộ Không thoát ra khỏi đó. Trên đường đi Tây Thiên, Tôn Ngộ Không không hề sợ hãi trước yêu ma quỷ quái, cũng không bị mê hoặc bởi phú quý và mỹ sắc, sau khi lấy kinh thành công, được Phật tổ Như Lai phong làm "Đấu chiến thắng Phật".
Trư Bát Giới nguyên là Thiên Bồng Nguyên Soái, chỉ huy hơn 8 vạn thủy binh trên thiên đình. Sau đó do phạm sắc giới, mang rượu tới trêu đùa Hằng Nga, nên bị giáng hạ xuống trần gian. Trên đường đi lấy kinh, Trư Bát Giới lười biếng, lưu luyến gia đình, tham ăn tham ngủ, ham mê mỹ sắc, cuối cùng Phật Như Lai nhận xét Trư Bát Giới tâm ngang bướng chưa bỏ, sắc dục chưa phai, và cho Trư Bát Giới làm "Tịnh đàn sứ giả".