Thông cáo Báo chí

Thánh địa Đạo gia - Núi Võ Đang

“Đạo hằng vô vi, nhi vô bất vi” —Lão Tử


Bạn đã bao giờ mơ ước một ngày nào đó có thể tạm rời khỏi cuộc sống náo nhiệt hằng ngày, tìm đến một nơi sơn lâm hẻo lánh, nơi con người và thiên nhiên hợp nhất, tìm lại sự tĩnh lặng trong tâm? Tất cả những điều này, đối với một người đang ở trong cuộc sống hiện đại, quả là tuyệt diệu như một câu chuyện đồng thoại, phải vậy không?

Trung Quốc có rất nhiều núi cao non thẳm, có thể dễ dàng tìm thấy những vùng núi phù hợp với điều kiện được đề cập trên đây, hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu một ngọn núi như vậy. Nằm ở tỉnh Hồ Bắc thuộc địa khu Hoa Trung, nơi đây phong cảnh đẹp như tranh vẽ, thần bí khó ngờ, núi cao vươn tới tận mây xanh. Những Đạo quán đã trải qua sự tẩy tịnh của năm tháng cho thấy sự trường tồn cùng thời gian. Đó chính là Núi Võ Đang, được xem là thánh địa của Đạo giáo. Trong hơn 2.000 năm qua vẫn luôn là lựa chọn duy nhất của những người chuyên tâm tu đạo.


 

Thuỷ tổ của Thái Cực Quyền - Trương Tam Phong chân nhân

Từ xưa tới nay, Núi Võ Đang chính là nơi Đạo giáo hoạt động hưng thịnh, tuy nhiên, điều thực sự khiến thanh danh của ngọn núi truyền xa chính là Trương Tam Phong chân nhân cùng với Thái Cực Quyền do ông sáng tạo ra. Trương Tam Phong sinh vào năm Thuần Hữu thứ 7 thời Nam Tống (tức năm 1247 Công Nguyên), đã từng qua đời ở Kim Quán Đài tại Bảo Kê, sau đó lại phục sinh, tuy nhiên khoảng 300 năm sau vào triều Minh có người nói rằng đã từng nhìn thấy tung tích của ông, sau đó ông biến mất. Dân gian tương truyền rằng ông đã đắc Đạo thành tiên.

Theo "Minh sử" ghi chép, Trương Tam Phong "thân người cao lớn, tai to mắt tròn, râu dài như cây kích." Trời nóng hay lạnh ông cũng chỉ mặc một bộ đạo bào và khoác một chiếc áo tơi. Ông từng du ngoạn khắp các kỳ nham thâm cốc ở Núi Võ Đang và nói: "Nơi này ngày sau tất sẽ hương hoả thịnh vượng." Khi các chư điện trên núi Võ Đang bị chiến hoả thiêu huỷ, ông cùng các môn đồ đã cắt cỏ chặt cây, dựng nhà rơm để ở.

Tương truyền Trương Tam Phong khi còn sống là cao thủ võ lâm, ông không những tinh thông võ công và kiếm thuật thiếu lâm và nhiều loại võ thuật khác mà còn là bậc thầy nội gia tinh thông nội tu và đã sáng lập ra Thái Cực Quyền pháp.

    

 

"Vương chinh nam mộ chí minh" có ghi chép rằng, Trương Tam Phong đêm nằm mộng được Huyền Đế truyền thụ võ thuật, hôm sau một mình giết hơn một trăm kẻ cướp. Huyền Đế chính là Huyền Thiên Thượng Đế. Tương truyền Trương Tam Phong chính là sau khi trong mộng được truyền thụ võ công đã sáng lập ra Thái Cực Quyền, môn võ lấy tĩnh chế động, lấy nhu khắc cương, hơn nữa ngày hôm sau khi bị thổ phỉ bao vây, đã chứng thực được công hiệu thực chiến của môn võ này.

Mặc dù hiện nay Thái Cực Quyền được biết đến rộng rãi nhờ công hiệu giúp thân thể khoẻ mạnh, nhưng điều này khác biệt quá xa so với Thái Cực Quyền thời sơ khai. Thái Cực Quyền vốn là một con đường tu luyện lấy tĩnh tâm điều tức, tu thân dưỡng tính, đề cao tầng thứ tinh thần của người tập võ.

Vì Trương Tam Phong vang danh khắp thiên hạ nên đã từng được nhiều vị hoàng đế tìm đến để phong hiệu. Chu Nguyên Chương, vị hoàng đế khai quốc triều Minh, đã nhiều lần tìm đến ông nhưng không có kết quả. Vĩnh Lạc đại đế sau khi đăng cơ cũng từng nhiều lần phái người đến thăm hỏi, cuối cùng được nhận một phong thư của Trương Tam Phong, truyền cho con đường trường sinh bất lão - "thanh tâm quả dục." Hoàng đế Vĩnh Lạc nhận được lá thư này rất vui mừng, hạ lệnh cho quân lính và thợ thủ công tới tu sửa Núi Võ Đang, xây 9 cung điện, 36 điện thờ, 72 ngôi chùa trên núi, ngoài ra còn ban cho danh xưng "Thái Hoà Thái Nhạc Sơn". Dự ngôn trước đây của Trương Tam Phong quả thật đã ứng nghiệm.

    

Thuỷ tổ của Đạo gia

2.500 năm trước, khi Thích Ca Mâu Ni hồng dương Phật Pháp tại Ấn Độ, Lão Tử, Khổng Tử cũng truyền Đạo cho người dân ở Trung Quốc. Theo "Sử ký" ghi chép, Khổng Tử đã từng nhiều lần thỉnh giáo Lão Tử. Một lần Khổng Tử tới gặp Lão Tử, sau khi quay về, ba ngày không nói lời nào, cuối cùng ông phá vỡ sự im lặng nói một câu: "Chim, ta biết nó có thể bay; cá, ta biết nó có thể bơi; thú, ta biết nó có thể chạy. Loài biết chạy ta có thể dùng lưới để săn, loài biết bơi ta có thể dùng dây câu để bắt, loài biết bay ta có thể dùng cung tên để bắn. Còn với rồng cưỡi mây đạp gió bay lên Trời, ta không thể biết. Hôm nay gặp Lão Tử, ông ấy cũng giống như con rồng kia!" Đại ý là chim bay, cá lặn, thú chạy đều là những điều ta có thể biết, hơn nữa còn biết dùng lưới, dây câu, cung tên để bắt, nhưng còn với rồng không thể nắm bắt, cưỡi gió thăng thiên, ta không thể biết được. Hôm nay gặp Lão Tử, ông ấy giống như con rồng kia, thâm sâu khó lý giải.

Sau đó Lão Tử từ Hàm Cốc Quan đi về phía Tây, không rõ tung tích. Trước khi rời đi, ông đã lưu lại cuốn Đạo Đức Kinh gồm khoảng 5.000 chữ, được xem là cuốn cổ thư sáng lập Đạo gia. Ngay từ thời đầu, Đạo gia đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong văn hoá truyền thống Trung Quốc.

    

 

Đại nạn Cách mạng Văn hoá

Thuyết duy vật và tư tưởng cực tả mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xướng sau khi lên nắm quyền không phù hợp với quan niệm thuận theo tự nhiên, thiên nhân hợp nhất của Đạo gia. Vì vậy, những vị Thánh nhân và những tác phẩm kinh điển từng được tôn sùng, trong thời Đại Cách mạng Văn hoá do Mao Trạch Đông phát động đã trở thành đối tượng bị đả kích. Các tăng nhân, đạo sĩ bị ép phải hoàn tục, còn bị tống vào trại giam; kinh sách bị phá huỷ, Đạo quán bị tháo dỡ; người dân bị rót đầy những tư tưởng "đấu Thiên đấu Địa" của Mao Trạch Đông. Trong cuộc đại nạn này, những báu vật, văn vật của nền văn hoá Thần truyền 5.000 năm của Trung Hoa đa số đều đã bị phá huỷ.

Chủ nghĩa Cộng sản đã phá huỷ những di sản văn hoá của nền văn minh Trung Hoa vốn được truyền thừa trong suốt 5.000 năm.

    

Chủ nghĩa Cộng sản đã phá huỷ những di sản văn hoá của nền văn minh Trung Hoa vốn được truyền thừa trong suốt 5.000 năm.

Khi đó trên núi Võ Đang có một vị Đạo cô trăm tuổi, tên là Lý Thành Ngọc. Nghe tin hồng vệ binh sẽ tới phá huỷ đền chùa trên núi Võ Đang, bà liền tĩnh toạ trước cổng, ôn hoà mà uy nghiêm. Mặc dù bị đánh máu chảy khắp thân, bà vẫn kiên trì bảo vệ núi Võ Đang. Cuối cùng hồng vệ binh cảm động đã rút lui, đền chùa đã được bảo tồn, đồng thời 24 vị đạo trưởng được lưu lại ở đó. Dạo chơi qua những ngôi miếu chùa trong khói mù lan toả, hương nhang thoang thoảng theo làn gió phả nhẹ vào mặt, cờ ngũ sắc nhẹ bay trong gió, dưới vách núi đá sừng sững là những động tác Thái Cực Quyền nhịp nhàng khoan thai. Cho dù bạn muốn tầm tiên tu đạo, muốn tìm đến sự yên bình trong nội tâm, hay thưởng lãm sơn thuỷ, núi Võ Đang chắc chắn là một lựa chọn tốt.

 

Tiết mục "Đạo duyên" trong chuyến lưu diễn 2020 của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun được cải biên từ câu chuyện Trương Đạo Lăng bảy lần thử đệ tử Triệu Thăng, bối cảnh của tiết mục vũ kịch này chính là núi Võ Đang.