Có thể bạn đã từng nghe nói về một lễ hội sôi động với cuộc đua chèo thuyền gay cấn trên những con "thuyền rồng" dài và nhiều màu sắc. Nó được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 âm lịch. Năm nay, ngày đó rơi vào 25 tháng 6 dương lịch.
Vậy biểu tượng rồng và cuộc đua thuyền trong lễ hội với lịch sử hơn 2.300 năm này có ý nghĩa như thế nào?
Một vị quan trung thành
Có một số giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của lễ hội này, nhưng chúng có một số điểm chung. Điểm chung lớn nhất là một vị quan văn thanh liêm của nước Sở vào thế kỷ thứ 4 TCN. Tên của ông là Khuất Nguyên.
Khuất Nguyên chủ trương khôi phục quan hệ giữa nước Sở và nước Tề láng giềng. Thời kỳ này được biết đến trong lịch sử Trung Quốc là Thời Chiến Quốc, lý do là 7 nước, hay 7 vương quốc xâu xé lẫn nhau trong suốt 200 năm, cho đến khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa.
Quay lại câu chuyện của chúng ta. Vua nước Sở đã phá hỏng mối bang giao với nước láng giềng, nhưng Khuất Nguyên đã tự nỗ lực khôi phục sự hoà hảo với nước Tề và mang lại hoà bình tạm thời cho đất nước của ông.
Tuy nhiên, triều đình nước Sở khi đó đầy rẫy tham nhũng, nhiều viên tham quan bị kẻ thù mua chuộc. Khuất Nguyên bị những viên tham quan gièm pha hãm hại, khiến vua Sở nổi giận không tin dùng Khuất Nguyên nữa.
Chúng chen chúc trên đường vụ lợi,
Tấm lòng tham, tham mãi tham hoài!
Đem dạ mình đọ bụng người,
Sinh lòng ghen ghét, đặt lời gièm pha. (trích "Ly tao", bản dịch của Nhượng Tống)
Những dòng thơ trên đây nằm trong bài "Ly tao" (離騷) của Khuất Nguyên, trong đó ông đã giãi bày câu chuyện bị đày ải của mình. Ông viết:
Lòng chính trực bị xéo giày,
Tai nghe xiểm nịnh, lòng đầy lửa sân
Vua Sở đã đày Khuất Nguyên đến vùng quê Giang Nam, nơi đó ông dành nhiều tháng ngày để sáng tác thơ và suy ngẫm trong cay đắng.
Thơ của ông phản ánh tấm lòng trung thành với nhà vua, mặc dù bị hắt hủi.
Chín lần trời hãy chứng minh,
Chỉ vì ta quá trung thành đấy thôi.
Khi không còn những trung thần và nhân tài xung quanh nhà vua nữa, nước Sở nhanh chóng bị Tần đánh bại. Sau khi nghe tin, Khuất Nguyên vô cùng đau xót.
Biệt ly ta chẳng quản nài;
Xót mình lòng dạ đổi dời bao phen.
Trong tuyệt vọng, Khuất Nguyên gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Khi người dân địa phương biết tin ông tự vẫn, họ vội lao ra sông trên những con thuyền gỗ, đánh trống và dùng mái chèo đập mạnh vào mặt nước để xua đuổi tà ma và cá, nhằm tìm kiếm và cứu ông trong tuyệt vọng.
Khi không thể tìm thấy vị cố quan, họ đã ném cơm nắm xuống dòng sông. Một trong những lý do là để cúng cơm cho cô hồn của Khuất Nguyên. Theo tục lệ ở Trung Quốc, người chết vì tự vẫn sẽ trở thành cô hồn đói khát, phải đợi cho đến khi tiến trình sinh mệnh đặc định nơi dương gian kết thúc. Một lý do khác của việc rắc cơm xuống sông là để cho cá ăn cơm và không rỉa thi thể của Khuất Nguyên nữa.
Theo truyền thuyết, một đêm, Khuất Nguyên báo mộng cho một ngư ông rằng ông không thể ăn được cơm mà họ rắc xuống vì có một con rồng đã ăn hết. Vị quan nói với ngư ông hãy gói cơm trong lá cây ngải cứu thành hình kim tự tháp, bên ngoài buộc bằng chỉ ngũ sắc. Chỉ như vậy mới có thể xua đuổi con rồng và Khuất Nguyên mới có thể ăn được cơm.
Đây là câu chuyện đằng sau cuộc đua thuyền và những chiếc bánh ú làm từ gạo nếp mà người dân thường ăn trong dịp Lễ hội Thuyền Rồng.
Dù sao, đây cũng chỉ là một giả thuyết. Hầu hết mọi người đều chấp nhận chi tiết ban đầu khi Khuất Nguyên nhảy xuống sông. Sau đó, câu chuyện có vẻ không chắc chắn. Còn bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về hình tượng rồng.
Nguồn gốc thuyền rồng
Một truyền thuyết khác lại liên quan đến việc sùng bái rồng, vốn là phong tục vào thời đó.
Rồng làm mưa và cũng có thể hô phong hoán vũ, Long Vương là vị thần mà bạn không muốn đắc tội nếu bạn muốn mùa màng và tính mạng của mình được yên ổn.
Để làm vừa lòng Long Vương, người dân đua thuyền rồng trên sông Trường Giang. Trước khi xuất phát, họ làm lễ và cúng lễ vật cho Long Vương. Sau đó, họ đua thuyền chèo tay, được trang trí theo hình rồng.
Có lẽ đó là lý do thuyền rồng ngày nay có hình dạng như vậy - phía đầu thuyền là đầu rồng mở to miệng với đôi mắt lớn, phía đuôi thuyền là đuôi rồng có vẩy.
Đua thuyền rồng
Có thể điều này khó tin, nhưng Lễ hội Thuyền Rồng thực ra đã bị cấm trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá (1966-1976) vì Mao Trạch Đông đã đàn áp văn hoá truyền thống. May mắn thay, sau khi Mao Trạch Đông qua đời, lễ hội được nhiều người dân yêu mến này được khôi phục và kể từ đó không bị huỷ (tuy rằng, lễ hội năm 2020 có thể bị huỷ do virus Trung Cộng [COVID-19]).
Thuyền rồng có nhiều kích cỡ dài khác nhau và thường đủ chỗ cho 20 tay chèo. Mỗi thuyền có một tay trống, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ "nhịp tim của rồng." Nhịp trống sẽ giữ cho nhịp đèo được đồng bộ. Với sự phối hợp chặt chẽ, mỗi đội đua sẽ gắng hết sức tiến về vạch đích trong cuộc đua náo nhiệt.
Đua thuyền rồng cũng là một bài tập thú vị về tính đồng đội cho các thành viên trong công ty hay các bạn sinh viên. Trong các cuộc đua được tổ chức trên thế giới, mức độ cạnh tranh có thể từ nhẹ nhàng cho đến khốc liệt.
Trước khi cuộc đua bắt đầu, có một tập quán lâu đời là điểm mắt rồng. Theo phong tục, điểm mắt rồng sẽ giúp cho thuyền rồng sống dậy. Nếu bạn chưa từng nghe đến phong tục này, hãy đọc bài blog của nghệ sĩ múa Betty Wang "Thành ngữ Trung Quốc: Hoạ long điểm tình," trong đó cô chia sẻ về ý nghĩa và truyền thuyết phía sau phong tục này.
Vậy vào ngày 25 tháng 6 này, nếu bạn có thể thưởng thức món bánh ú (đừng ăn trong lúc lái xe nhé) và dành chút thời gian suy ngẫm về hình tượng rồng. Tại sao lại không chứ? Nhưng hãy nhớ rằng, có rồng thiện, rồng ác và cả những chú rồng mang đặc tính ở giữa.
Để tìm hiểu thêm về rồng, hãy xem bài viết Long Vương trong thần thoại Trung Hoa. Hoặc khám phá 9 điều bạn chưa biết về rồng Trung Hoa.