Nhân vật Anh hùng và Phản diện thời Trung Quốc cổ xưa: Đại tướng quân anh dũng Nhạc Phi, gian thần “bánh quẩy Tần Cối”, và vị tăng điên có phép thần thông.
Gần 900 năm sau khi trở thành kẻ đáng ghét nhất trong lịch sử Trung Quốc, Tể tướng Tần Cối hôm nay vẫn bị rán trong dầu sôi và dọn kèm với món cháo trắng để hàng triệu người ăn sáng mỗi ngày. Tuy nhiên, sự nhục nhã của Tể tướng Tần Cối, giờ đây là bánh quẩy rán, không dừng lại ở đó.
Nhìn về phía Tây Hồ xinh đẹp ở miền Nam Trung Quốc, có một ngôi miếu cổ tưởng niệm người anh hùng vĩ đại nhất của Trung Quốc là đại tướng quân Nhạc Phi. Đối diện với ngôi miếu là hai pho tượng bằng sắt của vợ chồng Tể tướng Tần Cối đang quỳ gối, hai tay bị trói sau lưng, để cho người đời phỉ nhổ. Tất cả những chuyện này xảy ra như thế nào?
Lòng trung thành của Nhạc Phi
Trở lại thế kỷ 12, vào những năm cuối thời Bắc Tống, Trung Quốc bị xâm lược từ phương bắc. Triều đình suy yếu đang rất cần những tướng lĩnh tài ba.
Nhạc Phi là một người có năng lực xuất chúng — ông từng học võ thuật và có thể đồng thời bắn 9 mũi tên xuyên qua hồng tâm ở cách xa 240 bước. Tuy nhiên, ông phải đối mặt với tình huống khó xử. Một mặt, ông muốn chiến đấu chống quân xâm lược và bảo vệ nước nhà; nhưng mặt khác, ông muốn ở lại chăm sóc mẹ già. Trung Quốc cổ đại rất coi trọng hai đức hạnh “trung” và “hiếu”, Nhạc Phi bị giằng xé giữa hai bên.
Để khích lệ con, mẫu thân của Nhạc Phi đã yêu cầu ông cởi áo và xăm lên lưng ông bốn chữ: “Tinh Trung Báo Quốc”. Bây giờ Nhạc Phi có thể hoàn thành ước nguyện của mẫu thân và làm tròn trách nhiệm với đất nước, ông đã lập tức lên đường ra trận.
Khi trở thành một trong những vị tướng nổi tiếng nhất của nhà Tống, Nhạc Phi chưa từng để thua trận nào. Có một lần, ông đã đẩy lùi 100.000 quân xâm lược Nữ Chân chỉ với 500 binh sĩ.
Ông hết mực quan tâm đến các binh sĩ khi họ bị ốm hay bị thương. Ông đích thân chữa trị vết thương cho họ và viếng thăm các gia đình có người hy sinh. Ông duy trì chuẩn mực đạo đức nghiêm khắc cho đội quân của mình, nghiêm cấm họ cướp bóc và hưởng lợi của bách tính. Ông trở thành biểu tượng cho tấm lòng trung thành không lay chuyển của Trung Quốc còn mãi đến hôm nay.
Mặc dù vậy, tiếng tăm lừng lẫy của Nhạc Phi đã dẫn đến lòng đố kỵ to lớn.
Gian thần Tần Cối
Năm 1127, tộc Nữ Chân (còn gọi là nhà Kim) đã tấn công kinh đô Khai Phong; sau đó bắt giữ hoàng đế, quan lại và nô bộc. Tổng cộng có 14.000 người bị bắt làm tù binh, bao gồm cả Tể tướng Tần Cối. Sau đó, họ bị áp giải bằng đường bộ về Mãn Châu.
Tuy nhiên, em trai của hoàng đế đã chạy thoát về phương nam, vượt sông Dương Tử và sáng lập ra nhà Nam Tống.
Vài năm sau, Tần Cối bất ngờ đến kinh đô của nhà Nam Tống, thuật lại chuyện ông ta đã trốn thoát khó tin như thế nào. Một số người nghi ngờ ông ta đã phản bội sứ mệnh, nhưng vị hoàng đế mới lại tin tưởng ông và phong cho ông làm quan Đại thần.
Không lâu sau, Tần Cối khuyến khích hoàng đế đàm phán với tộc Nữ Chân, dẫn đến một hiệp ước biến nhà Tống trở thành một nước chư hầu nhỏ bé của Nữ Chân. Tần Cối đã từng bước sử dụng quyền lực của ông ta để loại bỏ các đối thủ chính trị, cũng như bịt miệng bất cứ người nào lên tiếng ủng hộ đòi lại miền Bắc.
Sau đó, Tần Cối còn ghen tị với tiếng tăm của Nhạc Phi. Ông ta đã thuyết phục hoàng đế là Nhạc Phi đang có âm mưu lật đổ hoàng vị. Nhạc Phi được lệnh từ chiến trường trở về hoàng cung để chịu tội phản quốc.
Nhạc Phi và các binh sĩ của ông lập tức nhận ra đây là một cạm bẫy. Các binh sĩ đã năn nỉ Nhạc Phi ở lại; nhưng Nhạc Phi với tấm lòng trung thành đến chết, ông đã quyết định quay về và phó mặc tính mạng của mình cho hoàng đế và vương triều.
Sau khi về đến hoàng cung và rơi vào tay của Tần Cối, Nhạc Phi đã bị tước bỏ binh quyền. Chiến trường mà ông bảo vệ đã thua trận. Nhạc Phi than thở: “Công sức mười năm tan tành trong nháy mắt”. Khi hai vợ chồng Tần Cối không thể tìm ra bằng chứng hay bắt ép Nhạc Phi nhận tội sau nhiều tháng tra tấn, họ đã thẳng tay xử tử ông.
Vị "Tăng điên"
Sau khi tin tức truyền ra khắp cả nước, danh tiếng của Nhạc Phi lên cao và Tần Cối trở thành kẻ đáng khinh nhất ở Trung Quốc.
Một hôm, Tể tướng Tần Cối cùng vợ ghé thăm chùa Linh Ẩn để xem bói. Ngược với mong đợi nghe thấy điềm lành, Tần Cối đột nhiên đã bị chổi quét vào mặt. Một vị tăng điên, vốn là một bậc Thánh giả, đã vận dụng thần thông để quét vợ chồng Tần Cối ra khỏi đó.
Kể từ đó, Tần Cối bắt đầu hoàn trả tội nghiệp, cho đến tận hôm nay ông ta vẫn bị người đời phỉ nhổ và bị rán trong vạc dầu sôi vào mỗi buổi sáng.