Câu chuyện Thần thoại: Đại Vũ trị thủy
Vua Đại Vũ của nhà Hạ
Vào khoảng năm 3000 TCN, tại mảnh đất Trung Quốc cổ đại đã xuất hiện một trận Đại Hồng Thủy, đồi núi thung lũng đều bị nước lũ nhấn chìm. Nhiều năm trôi qua, vô số người dân đã mất đi nhà cửa, buộc phải lên đỉnh núi lánh nạn.
Dưới sự thúc giục của các triều thần, Hoàng đế đã chỉ định người họ hàng xa là Cổn bắt tay vào việc trị thủy, ngăn chặn nước lũ. Để ngăn dòng nước, Cổn đã bỏ ra chín năm để xây dựng đập và đê chống lũ; nhưng dù ông cố gắng thế nào, mực nước vẫn dâng lên cao hơn. Dòng nước không có bất cứ dấu hiệu suy yếu nào.
Lúc này, Hoàng đế tuổi đã cao, ông bèn chọn Thuấn là người kế vị. Sau khi Thuấn lên ngôi vua, ông đã đi khắp vương quốc, thấy rằng Cổn không thể trị thủy. Vua Thuấn đã cho Cổn ngừng việc trị thủy, đồng thời chỉ định con trai của Cổn là Vũ tiếp tục sự nghiệp trị thủy.
Cống hiến cả cuộc đời để trị thủy
Sau khi Vũ nhận sứ mệnh trọng đại này, ông đã thay đổi hoàn toàn phương thức trị thủy của cha. Ông dắt theo một số tùy tùng, tự mình đi khắp vương quốc để khảo sát địa hình, đo mực nước biển và ghi chép lại dòng chảy của sông ngòi. Ông cùng với người dân bản địa đi đào đất, khôi phục dòng chảy của các con sông và dẫn nước lũ đổ ra biển lớn. Ngoài ra, ông còn cho xây dựng hệ thống kênh đào để dẫn nước tưới tiêu vào đồng ruộng.
Vũ đã kiên trì làm việc không ngừng nghỉ trong suốt 13 năm. Tương truyền, do ông ngâm mình dưới nước bùn quá lâu nên lông chân rụng sạch, do trường kỳ làm việc dưới nắng gắt nên da ông cháy sạm, do quanh năm suốt tháng đi đào đất nên tay ông chai sần đến mức biến dạng. Sau 13 năm nỗ lực không uổng phí, hồng thủy trên sông Hoàng Hà đã gây khó khăn cho hai thế hệ cuối cùng đã được kiểm soát.
Có giai thoại kể rằng, Vũ kết hôn chỉ mới bốn ngày, nhưng vì để hoàn thành nghĩa vụ trị thủy, ông đã rời khỏi nhà, đi khắp vương quốc; tình cờ có ba lần đi ngang qua nhà, nhưng ông không dám về thăm gia đình vì sợ chậm trễ nhiệm vụ. Dù nghe thấy tiếng khóc của đứa con trai mới sinh, nhưng ông cũng không vào nhà.
Người đời gọi ông là “Đại Vũ” để bày tỏ lòng kính trọng đối với nhân cách đáng quý tận tụy cống hiến của ông. Vua Thuấn hết sức cảm động, đã tự nhường ngôi của mình cho Vũ. Sau đó, Đại Vũ đã khai sáng nhà Hạ – triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.
Trung Quốc cổ đại là mảnh đất nhân và Thần đồng tại, đã sáng tạo ra nền văn hóa Thần truyền. Do đó, lịch sử thuở sơ khai của Trung Quốc gắn liền với những câu chuyện thần thoại. Loạt bài mới “Câu chuyện thần thoại” của chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn về những nhân vật chính trong các truyền thuyết ly kỳ của Trung Quốc.
February 7, 2017