Triều đại nhà Nguyên
Triều đại nhà Nguyên (1271 - 1368 SCN) là vương triều thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc do dân tộc thiểu số chinh phục đất người Hán mà kiến lập nên, cũng là triều đại có lãnh thổ rộng lớn nhất, do Hốt Tất Liệt lập nên vào năm 1271.
Triều Nguyên tiền thân là đế quốc Mông Cổ. Năm 1206 SCN, Thiết Mộc Chân đã thống nhất các bộ lạc Mông Cổ, triệu tập đại hội ở bên sông Oát Nan. Các vương và đại thần đã tôn Thiết Mộc Chân là Thành Cát Tư Hãn. Hốt Tất Liệt là cháu của Thành Cát Tư Hãn. Năm 1267 dời đô đến Bắc Kinh (lúc đó gọi là Đại Đô), năm 1271 ban chiếu lập quốc, đổi tên nước Mông Cổ thành Đại Nguyên.
Năm 1279 SCN, Hốt Tất Liệt tiêu diệt Nam Tống, hoàn thành việc thống nhất đất nước.
Thuận theo việc đại quân Mông Cổ đánh Đông dẹp Tây, và tứ đại hãn quốc lần lượt được kiến lập, đại lục Âu Á trừ Ấn Độ và Tây Âu, các khu vực khác hầu như đều do Mông Cổ thống trị. Tứ đại hãn quốc thừa nhận vị trí mẫu quốc của Triều Nguyên. Những khu vực mà Triều Nguyên trực tiếp thống trị không những khôi phục được bản đồ thời thịnh thế Hán, Đường, mà còn bao gồm cả Tây Tạng ngày nay, Ngoại Mông, và đại bộ phận nước Nga, tổng diện tích lãnh thổ đạt đến hơn 13 triệu kilomet vuông.
Triều Nguyên thực hiện phương châm duy trì song song văn hóa Mông Cổ và văn hóa người Hán, thời đầu chưa khôi phục khoa cử. Điều này khiến bộ phận văn hóa dân gian phát triển nhanh chóng, hình thành nên sự hưng thịnh của các hí khúc, và khiến cho "Nguyên khúc" và tạp kịch thời Nguyên trở thành một hệ thống văn hóa quan trọng cùng với "Đường thi" và "Tống từ". Những tiểu thuyết xuất hiện thời cuối nhà Nguyên đầu nhà Minh như "Thủy Hử truyện", "Tam quốc diễn nghĩa", mặc dù được viết thành sách vào thời Minh, nhưng tác giả đều sinh ra vào thời nhà Nguyên, những thành tựu đó cũng có liên quan đến sự thịnh hành của văn hóa dân gian của Triều đại nhà Nguyên. Những bức tranh sơn thủy và hoa điểu cũng là một hình thức quan trọng mà giới trí thức bày tỏ tấm lòng của mình.
Triều Nguyên từ thời Hốt Tất Liệt đã bắt đầu thúc đẩy một phần chính sách Hán hóa. Năm 1307, Nguyên Thành Tông phong Khổng Tử là Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương. Năm 1315, Nguyên Nhân Tông hạ lệnh khôi phục khoa cử. Về chế độ chính trị, Triều Nguyên về cơ bản kế thừa chế độ Tam tỉnh lục bộ. Về tôn giáo, Triều Nguyên phổ biến Phật giáo Tây Tạng, còn đặt nó ở trên Đạo giáo và Phật giáo nơi Hán địa. Triều Nguyên rất cởi mở đối với tôn giáo, do đó các loại tôn giáo đều rất hưng thịnh.
Triều Nguyên là thời đại buôn bán ngoại thương rất phát triển, với "con đường tơ lụa trên biển", số quốc gia có quan hệ mậu dịch với Trung Quốc đã lên đến con số hơn 140. Một số lượng lớn người A Rập và người châu Âu đã đến Trung Quốc, thậm chí còn làm quan trong triều. Họ đã ghi chép lại những kinh nghiệm của mình, thúc đẩy sự phát triển của thám hiểm hàng hải châu Âu, trong đó nổi tiếng nhất có ghi chép của Marco Polo.
Cuối thời Nguyên, dân gian lưu truyền một câu sấm: "Thạch nhân nhất chích nhãn, khiêu động Hoàng Hà thiên hạ phản". Sau đó sông Hoàng Hà chảy tràn, triều đình hạ chiếu tu bổ, quả nhiên thực sự đào được tảng đá hình người chỉ có một con mắt, và khởi nghĩa nông dân cũng bùng phát. Năm 1368 SCN, Chu Nguyên Chương trục xuất người Mông Cổ khỏi Trung Nguyên, kiến lập triều Minh. Lúc đó hoàng đế Mông Cổ Nguyên Huệ Tông lui về Thượng Đô (ngày nay là khu biên giới Nội Mông), duy trì quốc hiệu triều Nguyên, lịch sử gọi là "Bắc Nguyên". Năm 1402, do có chính biến nên quốc hiệu đổi thành Thát Đát, triều Bắc Nguyên suy vong.
July 12, 2011