Khi cha vắng nhà
Một số mẹo vui để duy trì quan hệ cha con khi thường xuyên xa nhà.
Chúng tôi đã ở trong nhà khá lâu kể từ khi có lệnh phong tỏa thành phố, suýt chút nữa tôi đã quên mất rằng thông thường tôi phải xa các con khoảng sáu tháng mỗi năm.
Tại Shen Yun, chúng tôi thường đi lưu diễn từ tháng 12 đến tháng 5, và thường không về nhà trong suốt thời gian đó. Nhưng một năm qua, không những lần đầu tiên tôi được trải nghiệm trọn vẹn mùa đông và mùa xuân ở nhà, mà còn có thể dành thời gian với hai con gái của chúng tôi – hiện đã lên 3 và 7 tuổi – trọn vẹn suốt cả năm.
Tuy nhiên, chẳng mấy chốc khi nhiều thành phố và nhà hát mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ lại lên đường, và cả gia đình sẽ lại phải điều chỉnh trở về nhịp sống cũ.
Không hiếm người gặp thách thức trong việc duy trì mối quan hệ với con trẻ vì đi làm xa nhà. Rất nhiều bậc cha mẹ phải đối mặt với vấn đề này: các vận động viên điền kinh và tổ hỗ trợ, các chuyên gia và kỹ sư, các nhà khoa học và tất nhiên cả những người làm ngành phục vụ - những người không chỉ phải đối mặt với xa cách gia đình mà còn gặp những nguy hiểm chết người rình rập hằng ngày.
Mặc dù chúng ta rất muốn thể hiện tình yêu với con trẻ, giáo dục và dạy dỗ chúng nên người, mang lại cho chúng niềm vui ngay cả khi chúng ta không có mặt ở nhà, nhưng điều này thật không dễ dàng khi con bạn còn quá nhỏ.
Những ý tưởng dưới đây xuất phát từ nỗ lực duy trì sự tập trung của con gái tôi trong những cuộc gọi video được thực hiện lặp đi lặp lại. Một số mẹo có tác dụng khi cháu còn bé, một số mẹo khác lại có tác dụng khi cháu lên 2 tuổi, còn khi chúng tôi có hai bé gái thì lại phải dùng những mẹo khác.
Do vậy, nếu bạn mới lên chức bố hoặc lên chức mẹ, dưới đây là một số điều thú vị mà tôi đã khám phá ra. Các ông bố bà mẹ lâu năm có thể có các mẹo khác của mình, tôi sẽ rất vui nếu các bạn có thể chia sẻ chúng trong phần bình luận để chúng ta cùng học hỏi.
Xin hãy lưu ý rằng:
a. Tôi chỉ có kinh nghiệm với trẻ nhỏ từ sáu tuổi trở xuống và tôi không biết những mẹo nào hiệu quả với những đứa trẻ tuổi thiếu niên.
b. Phong cách và quan điểm dạy con của mỗi người có thể khác nhau rất nhiều và một số người có thể phản đối việc áp dụng những điều này hằng ngày.
c. Trải nghiệm của tôi là một người bố đi xa, còn mẹ các cháu ở nhà. Tôi không thể nói chính xác về trường hợp ngược lại hoặc ví dụ cả hai bố mẹ phải đi xa và đám trẻ ở nhà với ông bà hoặc ai khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng phần lớn vẫn sẽ áp dụng được trong các trường hợp đó.
d. Một số ý tưởng có thể khá lạ lùng.
Dưới đây là 10 mẹo nhỏ, không theo thứ tự đặc biệt nào:
#1: Dùng một cuốn sách
Hãy tưởng tượng bạn đang gọi video cho đứa con tuổi sơ sinh, bạn đã cố gắng ú òa suốt 47 giây và đứa bé bắt đầu thấy chán. Bạn không thu hút được sự tập trung của bé nữa.
Hãy nhanh tay lấy ra một cuốn sách, không phải cuốn Chiến tranh và Hòa bình đâu nhé, hãy chọn một cuốn sách nhiều màu sắc, nhiều động vật, những động vật biết nói. Một trong những cuốn sách yêu thích của con gái tôi là Chú thỏ thích bắt chước tiếng bò
Trong mỗi chuyến đi, tôi thường mang theo một vài cuốn sách trẻ em và đọc cho các con qua cuộc gọi video, vừa đọc vừa cho chúng xem hình mình họa. (Như vậy cũng sẽ giúp mẹ cháu được nghỉ ngơi 5 phút).
Nếu cuốn sách đã quá nhàm chán, tôi sẽ gửi sách về nhà và mua một vài cuốn sách mới.
#2: Gọi điện về vào bữa ăn
Gọi điện về vào những giờ cố định cũng là một cách hay. Nhưng có những lúc tôi khá nản lòng khi đã dành ra 5 phút rảnh rỗi để gọi điện về hỏi thăm các con nhưng đúng lúc đó vợ tôi đang họp trên điện thoại với công ty hay con gái tôi đang ngủ. Vì thế giờ ăn là thời điểm rất tuyệt để gọi điện về.
Tôi biết rằng những chuyên gia tư vấn về ‘tập trung ăn uống’ (mindful eating) sẽ không đồng ý với cách này, nhưng đây là một trường hợp thỏa hiệp có ích. Em bé ngồi trong ghế ăn và không thể chạy đi đâu, vừa được bón cho ăn vừa được dỗ dành (một phần thưởng nữa - và các chuyên gia dinh dưỡng có lẽ cũng không đồng ý - là em bé sẽ nuốt rất nhiều thức ăn mà không hề biết)
Cũng nên nói thêm rằng mặc dù những mẹo này được thực hiện thông qua Internet, nhưng chúng tôi vẫn rất nghiêm ngặt trong việc cho phép các con sử dụng các loại thiết bị điện tử. Trong những cuộc gọi này, các con không được phép cầm điện thoại – mà màn hình được đặt trước mặt chúng và khi gọi xong sẽ được cất đi. Như vậy chúng sẽ không thể tự do tiếp tục xem những bộ phim trẻ em, ví dụ như “Sự im lặng của bầy cừu.”
#3: Thu âm giọng hát của bạn
Tôi không phải là một ca sĩ tài năng. Nhưng trong thời kỳ con gái chúng tôi thức giấc 5 lần trong một đêm và vợ tôi thì đã kiệt sức, tôi thường đảm nhận việc dỗ con trong thời gian tôi ở nhà. Sau khi tắm, mặc bộ đồ ngủ, uống sữa và đọc sách xong, đã đến lúc tắt đèn đi ngủ. Một giải pháp hiệu quả là hát. Con gái tôi sẽ phải lựa chọn: Đi ngủ hoặc là phải chịu đựng "giọng hát” của bố.
“Nhưng khi anh đi lưu diễn dùng đoàn thì em sẽ làm thế nào?” vợ tôi hỏi. Cô ấy bắt tôi thu âm lại giọng hát của mình, dài khoảng 20 phút, và cô ấy sẽ bật để ru con gái ngủ. Dù dễ nghe hay khó nghe thì giọng hát của bố cũng là điều cuối cùng con bé nghe trước khi ngủ mỗi đêm. Và dường như con bé cảm thấy mọi việc vẫn như bình thường.
#4: Mua một con rối
Tôi không viết nhầm đâu, mặc dù một chú cún con chắc chắn sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn. Tuy nhiên, một con rối điều khiền bằng ngón tay cũng rất có tác dụng. Tôi mua một con rối hình gấu koala tại Úc khi con gái tôi lên 2 tuổi. Mặc dù tôi làm việc cho một công ty nghệ thuật, không có ai nghĩ tôi sẽ giỏi trong việc điều khiển con rối. Nói đến múa rối, khả năng sáng tạo của tôi không hơn một cây bắp cải.
Tuy nhiên, mẹo này lại có tác dụng. Gấu koala sẽ xuất hiện trên màn hình, tỏ ý đồng tình hay không đồng tình với những điều tôi nói bên ngoài camera và thường cằn nhằn vì bị đặt vào vị trí trung tâm. Dù sao ai cũng biết gấu koala thường diễn hơi thái quá.
#5: Những cuộc phiêu lưu của thú nhồi bông
Sau koala là chim cánh cụt Pingee, được tôi mua ở cửa hàng Whole Foods ở Chicago. Sau đó là Pokey và Mèo Buồn, đến từ một trung tâm mua sắm ở đâu đó, và Gấu Canada đến từ một trạm dừng chân ở phía Bắc biên giới Canada. Những con thú nhồi bông này đều có những tính cách riêng, và cũng giống như những con rối tay, thường xuyên được xuất hiện trong các cuộc gọi video.
Cách bạn làm sẽ là trò chuyện bình thường với cô con gái 3 tuổi của bạn, sau đó khi thấy con bé bắt đầu lơ đễnh thì hãy cho một người bạn mới xuất hiện. Đúng là sau một thời gian con bé sẽ nói muốn gặp các con thú nhồi bông thay vì bạn. Cuộc sống là thế đấy. Đây cũng là sự tập dượt cho bạn vì sau này con bé sẽ tìm được một người đàn ông quan trọng khác – có lẽ khoảng 40 năm sau này.
Và đây là một mẹo thực sự hay, một phần thưởng cho bạn vì đã không chỉ đọc mỗi tiêu đề bài viết. Hãy quay video về cuộc phiêu lưu của những con thú nhồi bông.
Cảnh quay yêu thích nhất của con gái tôi là những trò nghịch ngợm của Pingee. Mỗi khi chúng tôi tới một khách sạn mới, Pingee sẽ đi khám phá. Cậu ta sẽ nhảy lên giường rồi lại nhảy xuống. Cậu ấy sẽ thử các vòi nước có cảm ứng tự động, nhảy lên máy chạy bộ, rồi nhảy nhót khắp phòng. Con gái tôi có thể xem những video kỳ quặc, kém chất lượng và rung bần bật này cả ngày mà không biết chán.
Khi chúng tôi gần kết thúc chuyến lưu diễn, tôi sẽ nói cho chúng biết Pingee hoặc Mèo Buồn nôn nóng muống gặp hai cô chủ như thế nào, và chúng sẽ sẽ sớm được gặp nhau. Khi tôi về nhà, ngay khi tôi vừa đặt túi xuống, chúng lập tức hỏi gặp những con thú nhồi bông.
#6: Quay những đoạn video ngắn
Có những ngày lịch trình của chúng tôi không khớp với nhau, đặc biệt là khi chúng tôi ở châu Á hoặc Úc. Thay vì để để trống nhiều ngày không liên lạc, vợ tôi động viên tôi gửi một vài video ngắn cho các con.
Những video này thường ngắn dưới một phút (điều này cũng khiến nó dễ gửi đi hơn) và có thể đơn giản như:
“Này, con khỏe không? Hiện giờ bố đang ở phòng trang phục – con nghĩ sao về những ánh đèn này? Chúng thật rực rỡ đúng không? Đây là bạn của bố, hãy chào họ đi… Hy vọng con đang có một ngày thật vui – bố phải chuẩn bị cho buổi diễn rồi. Ngày mai chúng ta lại nói chuyện nhé. Chào con”
Dần dần, khi chúng tôi đi tham quan thắng cảnh hoặc gặp chuyện gì thú vị, tôi đều rút điện thoại ra và quay một đoạn video nhỏ. Ban đầu tôi sẽ để điện thoại hướng về mình đang chào hỏi, sau đó quay điện thoại về phía khung cảnh vòi phun nước, những động vật lạ, hay bất kể thứ gì tôi nghĩ tụi nhỏ sẽ thích.
Ưu điểm của việc quay video là bạn có thể làm bất kỳ khi nào bạn rảnh và tụi nhỏ cũng có thể nghe bạn nói vào bất kỳ lúc nào chúng có thời gian. Xem đi xem lại không chán.
Và tụi nhỏ cũng có thể thu video và gửi cho bạn!
#7: Bưu thiếp
Chúng ta sẽ tạm rời các thiết bị điện tử và quay lại một trong các phương pháp liên lạc truyền thống khi đi du lịch: gửi bưu thiếp. Cách này chi phí thấp, có thể gửi ở nhiều nơi – ở trạm xăng, sân bay, khách sạn, lại có thể tạo những bất ngờ thú vị. Đặc biệt nếu như con bạn đang tập đọc, bạn có thể gửi cho chúng những lời nhắn đơn giản, viết bằng chữ hoa. Và cũng đừng quên thả vào thùng thư một bưu thiếp riêng cho mẹ của chúng.
#8: Hộp quà
Đây là một dự án lớn hơn, và tôi mới chỉ thực hiện đôi lần. Hãy thử tưởng tượng niềm vui của đứa bé khi nhận được bưu phẩm trong đó có một món quả dành riêng cho chúng? Tôi biết, đó có thể chỉ là một gói bưu phẩm Amazon. Tuy nhiên, bên trong có nhất nhiều thứ của bố gửi, và chúng đã không gặp mặt bố trong nhiều tháng. Bạn có thể mua đồ chơi, sách (mấy quyển sách mà bạn đã đọc nhiều lần đến mức quá quen), các món ăn đặc sắc, và những món quà khác nữa. Cách này cũng rất tiện lợi, nhất là khi bạn liên tục tích lũy những thứ đồ dành cho con bé trong chuyến đi và vali thì đang căng phồng vì quá tải.
#9: Kẹo dẻo hình gấu
Cái gì vậy? Ban đầu là video rồi sau đó là kẹo? Bạn là loại bố mẹ nào vậy? Không phải thế đâu. Đây chỉ là dạy trẻ con phép toán đơn giản thôi. Bạn biết đấy, ở Mỹ có câu nói “một chiếc kẹo dẻo mỗi ngày bố đi vắng.”
Trước khi đi lưu diễn, tôi đưa cho con gái tôi một chiếc túi đựng một số lượng kẹo dẹo hình gấu đã được đếm cẩn thận. Mỗi ngày tôi đi vắng con bé được phép lấy ra ăn một cái sau bữa tối. Phương pháp này không chỉ ngọt ngào mà nó còn dạy cho con bé cảm giác về tiến độ. “Bố ơi, con ăn hết kẹo màu xanh dương rồi! Giờ con chỉ còn kẹo màu đỏ, màu da cam và màu vàng thôi!”
#10: Ghi âm những câu chuyện
Mẹo vui cuối cùng này cũng là cách mà tôi có thể đưa các thông điệp giáo dục cho con gái một cách tập trung hơn.
Cách dễ nhất là ghi âm một số câu chuyện trẻ em. Trước khi đi lưu diễn, tôi chọn ra năm câu chuyện mà các con gái tôi thích nhất và ghi âm chúng. Bọn trẻ có thể ngồi nghe đọc truyện trong khi mẹ chúng chuẩn bị bữa tối hoặc nghe trong các chuyến xe đường dài. Chúng có thể lật theo trang sách và tự mình theo dõi câu chuyện. Nó giống như một phiên bản đĩa ghi âm chương trình Cùng Nhau Đọc Truyện mà được làm riêng cho chúng vậy.
Bạn cũng có thể đưa thêm một số chi tiết bổ sung vào câu chuyện để khiến nó gần gũi hơn với bọn trẻ.
Một hôm, khi đang ở trên một chặng xe buýt đường dài, tôi nghĩ về một số điều quan trong mà tôi muốn cô con gái bốn tuổi của mình hiểu. Ví dụ như đối xử thiện lương với tất cả mọi người hoặc nỗ lực làm tốt mọi việc. Khi đó, con gái tôi mê mẩn truyện Goldilocks, nên chúng tôi đã sáng tạo ra một vài phiên bản truyện Goldilocks – Goldilocks và Ba nàng tiên cá, Goldilock và Con rồng biết bay… chúng đều có thể trở thành những câu chuyện kinh điển.
Cứ như vậy, tôi ghi âm những câu chuyện về cô bé Goldilocks và đưa vào đó những điều chúng tôi muốn dạy con. Một ví dụ như hồi con gái chúng tôi cần phải cai ti giả trước khi ngủ, câu chuyện tôi kể có tên là: “Goldilocks và cái cây thần kỳ.” Đại ý của câu chuyện là đột nhiên có một tảng đá màu tím xuất hiện trong sân bên cạnh một cái cây và nói với Goldilocks rằng đấy là cây ti giả thần kỳ, sau đó con bé đi lấy tất cả ti giả nó có và treo lên cây để trang trí bởi vì bây giờ con bé không cần chúng nữa.
Sau khi tôi về nhà từ chuyến lưu diễn, một tảng đá màu tím, bằng cách nào đó, đã hiện ra bên cạnh một cái cây trong sân nhà. Chúng tôi cùng đi ra sân và treo những chiếc ti giả lên cây, và sau đó con bé không bao giờ đòi dùng chúng nữa.
* * *
Được rồi, số 10 là một số đẹp để dừng lại, hơn nữa tôi nghĩ rằng như vậy cũng khá đủ rồi. Ồ, thực ra tôi nghĩ rằng còn một số mẹo nhỏ nữa:
Đôi khi, nếu thời gian và tài chính cho phép, bạn có thể thu xếp cả gia đình gặp nhau giữa mùa lưu diễn để lập tức phá vỡ sự xa cách.
Nếu bạn có hai con hoặc nhiều hơn, ngoài việc nói chuyện chung, hãy nói chuyện với từng đứa trên điện thoại, điều này rất quan trọng.
Bạn cũng có thể yêu cầu đứa con lớn giúp mẹ việc nhà, tạo cho con cảm giác sống có trách nhiệm và có mục đích, và biết đâu thỉnh thoảng các bé cũng thực sự có ích đấy.
Thưởng thêm cho bạn một mẹo khi bạn trở về nhà
Để làm quen lại với nếp sống gia đình đòi hỏi tâm lý sẵn sàng với một giai đoạn điều chỉnh và phải kiên nhẫn. Vợ tôi hay đùa rằng mỗi năm sau khi tôi trở về nhà sau chuyến lưu diễn, chúng tôi tường mất thời gian để làm quen với nếp sống, và ngay khi vừa mới quen với điều đó thì lại đến lúc tôi phải tham gia chuyến lưu diễn tiếp theo. Nó hình thành chu kỳ như vậy.
Khi bạn đi vắng, gia đình bạn phải tìm cách để thích nghi với cuộc sống không có bạn và có những thói quen mà có thể không vừa ý bạn hoặc bạn không hiểu – bao gồm cả việc giải quyết những vấn đề mà bạn không biết là chúng tồn tại bởi vì khi xảy ra vấn đề thì bạn lại không có mặt ở nhà. Trong trường hợp này, lời khuyên cho bạn là nên xem xét, quan sát, và chia sẻ thật nhiều.
Mặc dù bạn đã thử mọi cách có thể, nhưng tụi nhỏ - đặc biệt là với các bé nhỏ tuổi - có thể sẽ vẫn cần thời gian để làm quen với sự có mặt của bạn, nhưng điều này thường xảy ra rất nhanh, vì vậy hãy bình tĩnh và chờ đợi.
* * *
Hy vọng những mẹo này có ích cho bạn hoặc thậm chí sẽ tốt hơn nếu nó giúp bạn nảy ra những ý tưởng mới. Đặc biệt nếu bạn là bố mẹ trẻ, hoặc nếu đột nhiên bạn cần phải đi xa, hoặc bạn đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn ở xa gia đình – tôi hy vọng những mẹo vui trên có thể giúp bạn.
Khi bạn đi xa nhà nhiều tháng, việc liên lạc thường xuyên giúp tụi trẻ cảm thấy tốt hơn, và cũng giúp bạn thấy vui hơn nữa.
Khi cha vắng nhà